Điện Biên: Tháng ba về một rừng ban trắng nở

Hoa ban - loài hoa tượng trưng cho người con gái Thái, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, đã được các đông đảo văn, nghệ sỹ đưa vào tác phẩm của mình. Nhà thơ Nguyễn Đình Huân từng viết: Bông hoa phớt hồng, tim tím, trắng tinh/ Tượng trưng cho mối tình cô gái Thái/ Khi bị người cha ép duyên ngang trái/ Cô chết đi hóa hoa dại bên đồi…

vna_potal_hoa_ban_no_ro_giua_long_pho_nui_son_la_7258552.jpg
Hoa ban bừng nở. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Cây ban là loại cây thân gỗ, phân bố ở Bắc Lào, Bắc Thái Lan và Tây Bắc Việt Nam. Dựa vào mầu hoa, người ta tạm thời chia làm ba loại hoa ban: trắng, trắng tím và tím trắng. Một số người cho rằng có giống hoa ban đỏ, song thực tế, hoa ban Tây Bắc không có màu đỏ. “Hoa ban đỏ” là tên một bộ phim nói về một trận chiến tại chiến trường Điện Biên năm 1954. Hiện nay, một số nơi đã lai tạo thành công giống hoa ban đỏ, du nhập vào Việt Nam và trồng ở một số địa phương.

Trước năm 1970, cây ban mọc trên các triền núi rất nhiều, mùa hoa ban nở trắng cả núi rừng Tây Bắc. Phần lớn cây ban có chiều cao trên 5m, cành, tán cũng cao. Những người không phải là dân bản địa, không có điều kiện đi rừng, không biết trèo cây để lấy hoa, lấy ngọn ban, sẽ không biết được đặc điểm, hương vị, màu sắc cụ thể của hoa, nhìn từ xa chỉ thấy màu trắng. Từ năm 1985, việc phát rừng làm nương, trồng cây lương thực để phục vụ cuộc sống người dân mở rộng, diện tích rừng hoa ban bị thu hẹp đáng kể. Vì vậy, nhiều người lên Điện Biên không còn may mắn để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và hương thơm bạt ngàn của hoa ban như trước.

bantrang1.jpg
Hoa ban bung nở trên những nếp nhà của người dân vùng cao. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Đầu những năm 2000, để tạo cảnh quan đô thị, thị xã Điện Biên Phủ (thuộc tỉnh Lai Châu cũ) đã triển khai trồng cây hoa ban. Thời điểm đó, thị xã Điện Biên Phủ đi mua giống cây tại Sơn La, đã mua nhầm sang cây móng bò. Cây hoa ban và cây móng bò đều là thân gỗ, ngoại hình gần giống nhau, tuy nhiên lá cây móng bò có thùy sâu hơn lá cây ban; ngọn non cây móng bò xanh hơn, vị ngọt hơn cây ban. Cây hoa ban cứng hơn, cao hơn cây móng bò. Hoa của cây móng bò thưa, nhỏ hơn hoa ban...

Khoảng năm 2007 - 2008, tỉnh Điện Biên đã tổ chức trồng cây ban trên đồi A1 bằng giống cây ban ươm từ hạt, có chiều cao 30 - 40 cm, nhưng tỷ lệ sống không cao. Do đó, tỉnh Điện Biên đã tổ chức đánh, tỉa cây ban nhỡ từ rừng về trồng. Toàn bộ kinh phí do cán bộ, công nhân viên toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đóng góp, mỗi người một ngày lương. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ cây chết khá cao. Từ thiệt hại đó, ngành Nông nghiệp đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, đã thay đổi thời gian và phương pháp nhân giống, hiện cây ban trồng tại đây đạt đến 99% sống tốt.

bantrang2.jpg
Hoa ban bung nở trên những cánh rừng quanh bản làng ở xã biên giới Na Ư, huyện Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Tháng 3 năm 2011, đồng chí Trương Tấn Sang (khi đó là Chủ tịch nước) lên thăm và làm việc với tỉnh Điện Biên. Khi đi qua xã Na Ư, huyện Điện Biên Ông đã rất ấn tượng với rừng hoa ban nở trắng núi đồi, đồng thời gợi ý, Điện Biên nên có kế hoạch bảo vệ rừng cây ban hiện có và trồng thêm cây ban mới để phát triển du lịch. Ngay sau đó, UBND tỉnh Điện Biên đã bổ sung kinh phí một tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để trồng cây ban ngay trong năm 2011. Từ đây đánh dấu mốc tốc độ phát triển cây ban của Điện Biên tăng nhanh qua từng năm.

Được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, ngành, phong trào trồng cây hoa ban đã trở nên rộng khắp, được đông đảo nhân dân và các đơn vị hưởng ứng tham gia. Điển hình như ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phát động các trường học trồng cây hoa ban trong khuôn viên, các trục đường giao thông gần trường học. Các đồn Biên phòng cũng nhiệt tình hưởng ứng trồng hoa ban trong khuôn viên đơn vị... Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên có hiệu quả, do đó diện tích rừng cây ban tự nhiên ngày càng phát triển.

Đặc biệt, tại khu vực bản Ca Hau (xã Na Ư, huyện Điện Biên) có diện tích rừng ban tự nhiên tập trung khoảng 200 ha. Để quảng bá vẻ đẹp của hoa ban, tỉnh Điện Biên đã phối hợp để trồng cây hoa ban tại nhà họp Quốc hội, khu Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tượng đài mẹ Thứ, Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, Khu Di tích lịch sử Ngã 3 Đồng Lộc... Đồng thời, tỉnh đã trao tặng nhiều tỉnh, thành phố khác hàng nghìn cây hoa ban để quảng bá loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc.

bantrang3.jpg
Hoa ban có màu trắng xen lẫn màu hồng. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên thăm tỉnh Điện Biên, đồng thời dự Lễ hội hoa ban do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tại buổi Lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát động phong trào trồng, chăm sóc bảo vệ cây hoa ban, tác động mạnh mẽ đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trồng, chăm sóc cây ban của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Điện Biên. Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/9/2018, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành kế hoạch số 3678/KH -UBND ngày 25/12/2018, trong đó có nội dung bảo vệ và trồng mới cây hoa ban đến năm 2020, định hướng đến năm 2025…

Đến tháng 1/2024, toàn tỉnh đã trồng được hơn 62.000 cây hoa ban, đạt 206,7% kế hoạch đề ra; xác định được 1.566 ha rừng có mật độ cây hoa ban cần bảo vệ và chăm sóc. Tổng nguồn vốn chi cho trồng, chăm sóc bảo vệ cây hoa ban trên địa bàn tỉnh đến nay đạt hơn 28 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhà nước là gần 15 tỷ đồng, số còn lại do các tổ chức, nhà tài trợ giúp đỡ.

Ngày nay, hoa ban trở thành “thương hiệu” của Điện Biên. Nhiều năm gần đây, mảnh đất cực Tây của Tổ quốc này tiến hành trồng mới, nhân rộng và bảo tồn các “tuyến đường, khu đồi, cứ điểm di tích” rợp bóng hoa ban. Hằng năm, khi tháng 3 về, hoa ban bung nở trắng trời, đưa hương theo gió, lan tỏa . . .

Năm 2014, tỉnh Điện Biên lần đầu tổ chức Lễ hội hoa ban và đã trở thành lễ hội thường niên vào mỗi dịp tháng 3, nhằm kỷ niệm trận đánh đầu tiên của Quân đội ta vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954 - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

bantrang4.jpg
Những cành ban chi chít hoa. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Theo nhiều chuyên gia, để cây hoa ban phát triển bền vững, tỉnh Điện Biên cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch trồng cây hoa ban chi tiết cụ thể; không nên trồng theo ý thích tự phát của từng cá nhân, tổ chức;.. Cũng cần nghiên cứu trồng nhiều loài cây có hoa cho phù hợp. Tỉnh cũng cần có chủ trương, quy hoạch những nơi có diện tích rừng ban tự nhiên để tập trung khoanh nuôi, tu bổ, nâng cao tỷ lệ cây hoa ban; tập trung xây dựng công viên hoa rừng, trong đó hoa ban là chủ yếu, bên cạnh đó trồng thêm hoa dã quỳ, hoa đào, hoa mai, hoa anh đào...

Hoa ban là loại hoa rừng đẹp, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc nói chung và đối với Điện Biên nói riêng. Việc phát huy, gìn giữ những giá trị quý giá đó sẽ góp phần phát triển văn hóa, xã hội và du lịch đối với tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.

Phạm Hiển

Có thể bạn quan tâm