Thầy giáo Lò Văn Cư đang truyền dạy chữ Thái cổ cho các học viên tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Dù đã 73 tuổi, ông Lò Văn Vương ở bản Thanh Chính (xã Noong Luống) vẫn tích cực tham gia lớp học chữ Thái cổ. Đối với ông, dù mắt đã không còn tinh, tai không còn thính nhưng được học chính chữ viết, tiếng nói cội nguồn của dân tộc mình là niềm hạnh phúc lớn.
Chữ Thái cổ cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Ông Vương cho biết: Tôi đã biết chữ Thái cải tiến nhưng chữ Thái cổ vẫn chưa có điều kiện để học. Bởi vậy dù tuổi đã cao nhưng khi có lớp dạy chữ Thái cổ trên địa bàn xã, tôi không ngần ngại đăng ký để đi học. Mình là người dân tộc Thái mà không biết chữ viết, tiếng nói truyền thống của dân tộc mình là một thiếu sót rất lớn. Tôi đi học ngoài việc để biết đọc, biết viết chữ Thái cổ còn để truyền lại cho thế hệ con cháu, láng giềng về chữ viết truyền thống của dân tộc mình.
Là thành viên trẻ nhất tham gia lớp học chữ Thái cổ, em Lường Thị Phương Linh (học sinh lớp 10 Trường Trung học Phổ thông huyện Điện Biên) chia sẻ: Là người dân tộc Thái, em luôn muốn tìm hiểu về văn hóa, chữ viết của dân tộc mình. Ngoài việc học tập tại trường, em đã đăng ký lớp học này để có thể biết đọc, biết viết chữ Thái. Sau gần 1 tháng học, em đã biết đọc, biết viết chữ Thái cổ. Em cảm thấy chữ Thái cổ rất hay và thú vị. Em muốn được tìm hiểu sâu về loại chữ viết này để sau này còn truyền dạy cho những người dân tộc Thái muốn tìm hiểu về chữ viết của dân tộc mình.
Trong lớp học chữ Thái cổ có nhiều thế hệ theo học và tìm hiểu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Ông Lò Văn Cư, giáo viên dạy chữ Thái cổ cho biết: Người Thái có tiếng nói và chữ viết riêng, thế nhưng hiện nay hầu hết các thế hệ trẻ không biết đọc, biết viết loại chữ này. Bởi vậy, mong muốn của tôi là truyền dạy cho các thế hệ trẻ về chữ viết truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, họ có thể tìm hiểu về văn hóa của người Thái qua những câu ca dao, tục ngữ, bài hát...
Lớp học chữ Thái cổ xã Noong Luống được khai giảng vào đầu tháng 9/2019, thời gian học trong vòng 3 tháng. Lớp học do Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên phối hợp với Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn tỉnh và UBND xã Noong Luống tổ chức với nguồn tài trợ từ Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Đây là lần thứ 2 lớp học chữ Thái cổ được tổ chức tại Điện Biên. Lần đầu được tổ chức năm 2018, lớp học được mở để truyền dạy chữ Thái cổ cho các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cấp chứng chỉ.
Chữ Thái cổ sẽ bị mất dần nếu không được giữ gìn và phát triển. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Bà Chu Thùy Liên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: tỉnh Điện Biên đã có nhiều chương trình, kế hoạch về gìn giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc, trong đó có bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, đặc biệt là tiếng nói và chữ viết. Việc tổ chức lớp học chữ Thái cổ nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy tiếng nói, chữ viết của một dân tộc bản địa ở vùng đất này. Lớp học được tổ chức với mục đích truyền lại cho các thế hệ người dân tộc Thái biết được chữ viết cội nguồn của dân tộc mình.
Một lớp học chữ Thái cổ tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cùng các đơn vị tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy chữ Thái cổ với không chỉ với các cán bộ, công chức người Thái mà còn là các đối tượng thế hệ trẻ người dân tộc Thái. Dự kiến mỗi năm ít nhất tổ chức được một lớp học để truyền dạy chữ Thái cổ cho người dân. Ban Dân tộc tỉnh mong muốn các thế hệ trẻ sau này có thể viết được chữ viết của dân tộc mình và có thể giao lưu với cộng đồng anh em dân tộc Thái trên địa bàn các nước. Qua đó quảng bá hình ảnh đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, đặc biệt là quảng bá hình ảnh đồng bào dân tộc Thái đến với cộng đồng nhân dân thế giới.
Xuân Tư - Tuấn Anh