Điện Biên là một tỉnh biên giới, miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Những năm vừa qua, tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cũng như nâng cao đời sống đồng bào dân tộc…
Điện Biên hiện có trên 30 làng nghề truyền thống, trong đó có gần 20 làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan và hơn 10 làng nghề sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản, hoạt động tập trung ở các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa, thị xã Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ. Gắn liền với quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất của cộng đồng 19 dân tộc anh em, sản phẩm làng nghề ở Điện Biên khá đa dạng với các nhóm chính như: dệt thổ cẩm, mây tre đan, nhạc cụ truyền thống, kim hoàn, mộc mỹ nghệ…
Phát huy lợi thế và kinh nghiệm của đồng bào, một số địa phương đã tổ chức phục dựng và từng bước hình thành các làng nghề truyền thống. Đó là huyện Tủa Chùa với làng nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm của người Xạ Phang ở thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình; làng nghề trồng, chăm sóc, chế biến chè cổ thụ kết hợp với du lịch ở xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng. Thị xã Mường Lay với các làng nghề mây tre đan ở phường Sông Đà; làng nghề sản xuất bánh Khẩu Xén. Thành phố Điện Biên Phủ với làng nghề dệt thổ cẩm ở bản văn hóa Him Lam 2. Huyện Điện Biên Đông với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào ở xã Mường Luân… Các làng nghề này phân bố đều ở các huyện, hấp dẫn du khách nhờ sản phẩm mang đậm nét vùng miền, đặc trưng của từng dân tộc, khá phù hợp với thị hiếu của du khách.
Việc gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, giúp đồng bào nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn là một phương thức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, tạo thêm những điểm du lịch mới làm phong phú các tuyến du lịch.
Để phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, Điện Biên triển khai nhiều đề án hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề… Theo Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của Điện Biên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên duy trì và phát triển làng nghề, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng sản phẩm làng nghề. Tỉnh cũng nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là chính sách vinh danh, công nhận làng nghề, nghệ nhân… Đây là những cơ sở để tỉnh phát huy nghề, làng nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Xuân Tư – Xuân Tiến