Điện Biên: Cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Ngày 16/4, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, tuần qua, mặc dù số vụ cháy đã giảm đáng kể nhưng do thời tiết nắng nóng, khô hanh tiếp tục diễn ra nên nguy cơ cháy rừng toàn tỉnh vẫn đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Theo Chi cục Kiểm lâm Điện Biên, trong ngày 15/4, trên địa bàn tỉnh có 104 điểm cháy. Trong đó, có 2 điểm cháy lan vào diện tích rừng (đã được dập tắt), 79 điểm cháy do đốt nương và 19 điểm cháy đang được xác minh. Các huyện có nhiều điểm cháy là Điện Biên Đông, Mường Nhé và Tuần Giáo.

Thực hiện Công điện số 1536/CĐ-UBND ngày 5/4/2024 của UBND tỉnh Điện Biên về việc tăng cường công tác quản lý đốt dọn thực bì, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tổ chức tham mưu triển khai xuống tận thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, theo dõi tổng số điểm cháy do đốt dọn thực bì của người dân sau khi ban hành Công điện đã có xu hướng giảm rõ rệt. Cụ thể, từ ngày 1-5/4 (trước khi Công điện ban hành), toàn tỉnh có 1.594 điểm cháy, từ ngày 8-12/4 (sau khi Công điện ban hành), toàn tỉnh có 280 điểm cháy.

Theo ông Hà Lương Hồng, có kết quả như trên là do Chi cục Kiểm lâm kịp thời chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố, Kiểm lâm địa bàn toàn tỉnh trong triển khai nội dung Công điện. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác đốt dọn thực bì của người dân xuống tận thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

Chi cục Kiểm lâm Điện Biên yêu cầu, tất cả cá nhân, tổ chức, người dân trên địa bàn dừng việc đốt dọn thực bì đến hết tháng 5/2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Điện Biên, những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, cục bộ, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, chỉ từ 35 - 40%, thời gian nắng nóng kéo dài từ 11-17 giờ/ngày nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Ông Hà Lương Hồng khuyến cáo, người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, kiểm soát tất cả nguồn lửa có thể gây cháy rừng như, hút thuốc, đốt ong… trong thời kỳ cao điểm này. Khi phát hiện đám cháy, người dân thông báo ngay cho Trưởng bản, Kiểm lâm địa bàn hoặc chính quyền địa phương để có giải pháp ứng cứu kịp thời.

Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, cấp thôn, bản bố trí lịch trực 24/24 giờ trong ngày, sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết để xử lý tình huống cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ; lập chốt chặn tại khu vực ra vào rừng kiểm soát người dân đi lại khu vực nguy cơ cháy rừng cao (nếu cần thiết). Khi tham gia chữa cháy phải tuân thủ quy trình, hướng dẫn của lực lượng chức năng, chỉ huy chữa cháy để đảm bảo về tính mạng, tài sản, người tham gia…

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm