Đến với vùng quê đồng bào các dân tộc ở tỉnh Ninh Thuận, bức tranh về nông thôn mới đã và đang hiện hữu rõ nét. Nhiều con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa phẳng lì; ánh đèn đường rực sáng thâu đêm; những ngôi trường khang trang sạch đẹp được dựng xây; hệ thống trạm y tế cơ sở được đầu tư bài bản, sẵn sàng chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân… Những đổi thay đó chính là thành quả từ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; đặc biệt là sự đồng lòng, góp sức chung tay của đồng bào các dân tộc trong những năm qua. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày một đổi mới.
Phát triển toàn diện nông thôn vùng đồng bào
Theo Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 32 dân tộc thiểu số với khoảng 144.200 người, chiếm 24,4% dân số. Toàn tỉnh hiện có 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 12 xã khu vực I; 1 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và 10 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
Trong số các dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc Chăm chiếm 12,17%, dân tộc Raglai chiếm 10,39%. Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận luôn có truyền thống đoàn kết, yêu nước, có bản sắc văn hóa đặc trưng, tiếng nói riêng của mỗi dân tộc; trong đó dân tộc Chăm và dân tộc Raglai theo chế độ mẫu hệ.
Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Nhìn lại chặng đường khoảng 10 năm về trước, do xuất phát điểm thấp, nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh còn khó khăn. Được Đảng và Nhà nước quan tâm với các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào ngày một đi lên.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bao gồm cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số ước đạt hơn 2.842 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (không tính lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) bình quân/xã tăng gấp 6,55 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.
Cùng với nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án như chương trình 134, 135, chương trình hỗ trợ tam nông, chương trình 30a; đồng thời cùng với nguồn lực của người dân cùng chung tay xây dựng, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Ninh Thuận đã có sự thay đổi đáng kể. Đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; mặt bằng dân trí được nâng lên; công tác giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo; hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư, phát triển.
Tại khu vực nông thôn vùng đồng bào ở Ninh Thuận, hiện 100% xã có trạm y tế, trường trung học cơ sở; 100% thôn có điện lưới quốc gia và trên 99% số hộ sử dụng điện thắp sáng; tỷ lệ hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 90%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm từ 3 - 4% (trong đó huyện nghèo 30a Bác Ái giảm bình quân 5-6%/năm); tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt bình quân 10%/năm.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Ninh Hải và Ninh Phước (nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống). Toàn tỉnh có 16/37 xã đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 11 xã vùng đồng bào Chăm và 5 xã vùng đồng bào Raglai.
Tại huyện miền núi Bác Ái (trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống), nhờ thụ hưởng chính sách 30 của Chính phủ; đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của tỉnh, sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị ở địa phương nên Bác Ái cũng đang từng ngày thay da, đổi thịt. Hầu hết hợp phần như: Điện; đường; trường; trạm y tế; nước sinh hoạt… đều được đầu tư xây dựng bài bản, bao phủ tới tận các thôn, bản. Các mô hình phát triển kinh tế; các chính sách an sinh xã hội luôn được tỉnh quan tâm hỗ trợ và đầu tư đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bác Ái, sau khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới tăng gần gấp 3,5 lần, đạt trung bình mỗi xã hơn 10 tiêu chí, không có xã dưới 5 tiêu chí.
Ngoài đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh còn được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Điển hình như: Mô hình trồng cây ăn trái và chăn nuôi ở huyện Bác Ái; mô hình cánh đồng lớn trồng lúa ở các xã Phước Hậu, Phước Thái; mô hình trồng măng tây xanh ở các xã An Hải, Phước Hải (huyện Ninh Phước), xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải), thu hút đông đảo đồng bào tham gia mang lại hiệu quả kinh tế cao và từng bước nhân rộng.
Trước đây, xã An Hải (huyện Ninh Phước) chỉ là vùng quê nghèo, cát trắng, đời sống đồng bào Chăm nơi đây còn nhiều khó khăn. Thế nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, với chính sách hỗ trợ thiết thực từ xây dựng nông thôn mới, vùng đất khó này đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, điển hình như mô hình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập lên tới 500 triệu đồng/ha/năm.
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (thôn Tuấn Tú, xã An Hải) cho biết, nhờ nguồn lực đầu tư và hỗ trợ nên cơ sở hạ tầng vùng nông thôn được đầu tư khang trang, thôn Tuấn Tú cũng đã hình thành Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp, thu hút nhiều xã viên là đồng bào cùng tham gia phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định và thoát nghèo.
Hướng đến nông thôn mới nâng cao
Với phương châm: “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, các cấp chính quyền của tỉnh Ninh Thuận luôn quyết tâm thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; qua đó để tạo sức lan tỏa, tạo sự đồng thuận và tạo khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp trong địa bàn dân cư; góp phần thay đổi tư duy từ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước sang tư duy xây dựng nông thôn mới do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân là chủ thể thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, tỉnh huy động nội lực là chính, với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước và được thể hiện sinh động qua sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia góp công, góp sức, hiến đất… của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư để hướng đến phát triển bền vững nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh trong thời gian tới.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao, tiệm cận với khu vực đô thị, tỉnh dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 4.165 tỷ đồng, bao gồm cả vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế, vốn huy động từ người dân và cộng đồng.
Từ nguồn lực trên, tỉnh sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; tạo môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
Đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu khoảng 75% số xã (35 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó ít nhất 15% số xã (7 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và khoảng 5% số xã (2 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời có 85% số thôn vùng khó khăn được công nhận chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí thôn nông thôn mới.
Để có được thành quả đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các địa phương rà soát, thực hiện mục tiêu chương trình năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm thống nhất cơ chế triển khai thực hiện các nội dung của chương trình, nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư để tạo đòn bẩy thúc đẩy các huyện, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu hằng năm.
Công Thử