Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị kim Tiến phát biểu tại buổi họp trực tuyến. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN |
Đây là nhận định của Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ và sốt xuất huyết, tổ chức vào chiều ngày 24/7 tại 2 điểm cầu: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
61 tỉnh, thành phố ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết trong những năm gần đây ghi nhận trung bình mỗi năm có từ 50.000-100.000 trường hợp mắc, 50-100 trường hợp tử vong. Tích lũy 7 tháng đầu năm 2017, ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (50.496 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng 3 trường hợp.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực miền Bắc tăng cao tập trung chủ yếu tại Hà Nội. Hiện có 61 tỉnh, thành phố của nước ghi nhận có trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 26 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy cao so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh...
Bên cạnh đó, một số dịch bệnh sau mưa lũ cũng ghi nhận rải rác tại các tỉnh, thành phố. Bệnh viêm não vi rút đã ghi nhận 416 trường hợp mắc và có 13 trường hợp tử vong. So với năm 2016, số trường hợp mắc giảm 16,9%, tử vong tăng 2 trường hợp. Bệnh viêm màng não do não mô cầu cũng ghi nhận 22 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc giảm 4 trường hợp và tử vong giảm 1 trường hợp.
Bệnh lỵ trực trùng ghi nhận hơn 7.600 trường hợp mắc, tập trung tại một số tỉnh như Lai Châu, Cao Bằng..., liên quan đến mất vệ sinh, phóng uế bừa bãi. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc giảm 48,3%, tử vong giảm một trường hợp. Bệnh do vi rút Zika ghi nhận 27 trường hợp nhiễm tại 7 tỉnh, thành phố trong tổng số 638 mẫu xét nghiệm, cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (18 ca)...
Nhiều nguyên nhân gia tăng trường hợp mắc sốt xuất huyết
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng do tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp (luôn gia tăng về ca mắc và mở rộng khu vực); tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ nhà ở và dân cư đông đúc, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi do biến đổi khí hậu như mùa hè ở miền Bắc đến sớm và miền Nam mùa mưa cũng đến sớm, cùng với nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Đặc biệt, qua điều tra tại các khu vực trên cả nước, hiện nay ổ bọ gậy – nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng và khác nhau ở từng vùng nhưng chủ yếu tập trung ở dụng cụ chứa nước, chậu cây cảnh, lọ hoa, phế thải, lốp xe, chum vại... không được dọn dẹp. Ý thức người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh sốt xuất huyết; chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, tính đến tháng 7/2017, kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống sốt xuất huyết năm 2017 của Trung ương và địa phương chưa được cấp; kinh phí các địa phương không có hoặc rất hạn chế, hoặc cấp muộn không đảm bảo đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh...
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN |
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn kiểm tra 14 tỉnh trọng điểm; sử dụng hệ thống định vị toàn cầu trong giám sát trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngành y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diệt bọ gậy, loăng quăng phòng chống sốt xuất huyết và Zika; thành lập các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh tại 4 khu vực và trên cả nước, riêng thành phố Hà Nội đã thành lập 50 đội chống dịch cơ động; tổ chức 90 lớp tập huấn về giám sát dịch bệnh, điều tra côn trùng, lấy mẫu xét nghiệm huyết thanh và phun hóa chất.
Thời gian tới, Ngành y tế tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng, thu gom, lật úp, xử lý dụng cụ phế tải chứa nước và truyền thông phòng chống dịch bệnh cao điểm trong tháng 7 và tháng 8; đề nghị các địa phương có kế hoạch tổ chức các đợt dọn vệ sinh, phế thải, thu gom lốp ô tô 1-2 lần/tuần.
Ngành y tế chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để; phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn, triển khai các hoạt động chỉ đạo tuyến đối với công tác dự phòng và điều trị; đẩy mạnh việc xử phạt đối với cá nhân, hộ dân không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng tỷ lệ tiêm chủng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin viêm não...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thời điểm hiện nay do mùa mưa lũ cùng với biến đổi khí hậu nên có nguy cơ xảy ra nhiều dịch bệnh như bệnh đường ruột, đau mắt đỏ, viêm não, viêm màng não do não mô cầu, bệnh da liễu... Đặc biệt, mùa mưa là mùa bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Năm nay, miền Bắc vẫn ghi nhận số trường hợp mắc sốt xuất huyết thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội là nơi có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết do biến đổi của thời tiết. Chính vì vậy, Ngành y tế không chủ quan với dịch bệnh: một mặt quyết liệt phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, một mặt tăng cường dự phòng các dịch bệnh sau mưa, lũ.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu: Hiện nay, việc ưu tiên chính là truyền thông phải đi trước một bước, chủ động cung cấp thông tin phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy); ăn chín, uống sôi, rửa tay với xà phòng, vệ sinh nơi ở sạch sẽ... Đối với dịch bệnh mùa mưa, lũ, địa phương cần phải triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; đồng thời, đảm bảo cung cấp đủ hóa chất dự phòng và vắc-xin phòng bệnh.
Đối với dịch sốt xuất huyết, Ngành y tế cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ y tế tại các bệnh viện ở cả 3 miền về phác đồ điều trị nhằm giảm trường hợp tử vong; hướng dẫn phân tuyến và chuyển tuyến hợp lý, không để bệnh nhân phải nằm ghép; quyết tâm không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, người dân khi bị sốt ở trong vùng dịch sau khi uống hạ sốt không giảm cần phải đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.../.
Thu Phương