Dịch sốt xuất huyết tại Đồng Tháp vẫn chưa "hạ nhiệt"

Dịch sốt xuất huyết tại Đồng Tháp vẫn chưa "hạ nhiệt"

Ngày 5/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa và Phó Chủ tịch UBND Đoàn Tấn Bửu chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Sở Y tế, một số cơ quan, đơn vị liên quan và lãnh đạo các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 22 - 28/8, toàn tỉnh có 273 ca mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đồng Tháp ghi nhận tổng cộng 8.425 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn tăng 900% (tương đương 7.583 ca) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hiện có 256 ca nặng và 11 trường hợp đã tử vong. Các ca mắc sốt xuất huyết phân bố ở tất cả các địa phương trong tỉnh nhưng tập trung chủ yếu tại thành phố Cao Lãnh và các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận đánh giá, tình hình mắc sốt xuất huyết tại Đồng Tháp vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn duy trì ở mức cao. Huyện Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự là 2 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao từ đầu mùa dịch. Sau khi thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng và 3 đợt phun hóa chất diện rộng thì số ca mắc của 2 địa phương này đã có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây. Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết của các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, thành phố Cao Lãnh lại có xu hướng tăng cao.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận, vào năm 2007, đợt dịch sốt xuất huyết lớn bùng phát ở Đồng Tháp với 10.386 ca. Sau đó, số ca mắc sốt xuất huyết tương đối ổn định (trung bình giai đoạn 2008 - 2021 là hơn 3.200 ca/năm). Ở các địa phương đang lưu hành cùng lúc 2 type virus DEN-1 và DEN-2 nhưng gần đây type DEN-2 chiếm ưu thế hơn. Vì vậy, người có khả năng bị mắc sốt xuất huyết còn rất cao. Cùng với đó, đang vào cao điểm mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển mạnh.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu lưu ý, các địa phương tiếp tục tập trung công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng. Nếu nơi nào xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết thì phun xịt hóa chất trong bán kính từ 200 - 500m. Lực lượng chức năng nên đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tăng cường áp dụng các biện pháp, như: cho muối vào dụng cụ chứa nước, loại bỏ vật dụng chứa nước không cần thiết… nhằm giảm bớt sự phát triển của côn trùng, nhất là muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các địa phương và ngành chức năng nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết và tay chân miệng, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Ngành Y tế cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả hơn; củng cố, phát huy vai trò của tuyến y tế cơ sở trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm