Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 28/2 đến 16 giờ ngày 1/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 98.762 ca mắc mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.367 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 66.861 ca trong cộng đồng).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 40.932 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.479.883 ca.
Số bệnh nhân tử vong trong ngày là 86 ca; Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 94 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.338 ca, chiếm tỷ lệ 1,1% so với tổng số ca mắc.
Nhiều tỉnh, thành phố iên tục ghi nhận trên 1.000 ca mắc mỗi ngày, trong đó Hà Nội ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất từ trước tới nay với 13.323 ca, tiếp đó là Quảng Ninh (4.011 ca), Bắc Ninh (3.933 ca), Nghệ An (3.864 ca), Lào Cai (3.398 ca), Hưng Yên (3.393 ca), Sơn La (3.087 ca), Nam Định (3.072 ca), Phú Thọ (2.966 ca), Vĩnh Phúc (2.913 ca)...
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 80.898 ca/ngày.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.557.629 ca mắc, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay). số ca mắc ghi nhận trong nước là 3.550.249 ca, trong đó có 2.477.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hà Nội huy động cơ sở y tế ngoài công lập tham gia chống dịch COVID-19
Ngày 1/3, Hà Nội ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất từ trước tới nay với 13.323 ca, trong đó có 5.214 ca tại cộng đồng và 8.109 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 505 xã, phường, thị trấn thuộc tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức có 798 ca, Nam Từ Liêm 761 ca, Long Biên 721 ca, Mê Linh 692 ca, Bắc Từ Liêm 649 ca, Thanh Xuân 570 ca, Thanh Trì 565 ca,
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2020 đến nay) là 288.447 ca.
Trước đó, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 72/TB-VP kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh tại phiên họp giao ban ngày 27/2.
Trong đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đề nghị Sở Y tế chủ trì phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn, bảo đảm dành 50% số giường điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình huống số ca nhiễm tiếp tục tăng cao. Các quận, huyện, thị xã phát huy phương châm “4 tại chỗ", tăng cường vai trò người đứng đầu chính quyền các cấp, huy động thêm các đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở, lực lượng thanh niên, phụ nữ... bổ sung thành phần các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà. Lực lượng chức năng tổ chức tập huấn quy trình tư vấn, chia sẻ kiến thức phòng, chống dịch bệnh, các dấu hiệu, triệu chứng, đầu mối liên hệ, tư vấn, chăm sóc, phối hợp cán bộ y tế xử lý các tình huống phát sinh. Các địa phương chia sẻ, học hỏi các mô hình hay của các đơn vị, phân công các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ thêm để lực lượng y tế cơ sở giảm bớt áp lực tập trung vào công tác chuyên môn, quản lý, tư vấn, điều trị các đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ có thai, trẻ em chưa được tiêm vaccine.
Tại những địa bàn có mật độ dân cư đông, cơ quan chức năng cần đánh giá ngay khả năng đáp ứng tư vấn, chăm sóc người mắc COVID-19 của mỗi cán bộ, nhân viên y tế; có biện pháp huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, bảo đảm người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng điều trị và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng
Đa dạng hình thức hỗ trợ điều trị F0 tại nhà
Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 các địa phương trong cả nước tiếp tục tăng mạnh. Để bảo đảm an toàn cho việc điều trị F0 tại nhà, nhiều địa phương đã có các giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa phần mềm quản lý F0 tại nhà và các cơ sở điều trị tập trung vào hoạt động. Ngành Y tế điều phối nhân lực từ tuyến tỉnh về tuyến huyện và từ tuyến huyện về xã, bảo đảm kịp thời đáp ứng công tác điều trị.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chủ động tổ chức, củng cố lực lượng, thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, chăm sóc, điều trị F0. Tỉnh hiện có 85% số ca mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Công tác hỗ trợ F0 điều trị tại nhà được ngành y tế chuẩn bị kỹ, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, đa dạng các hình thức. Từ khi thực hiện đến nay không có trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà chuyển nặng.
Tỉnh Tiền Giang hiện có 10.950 người điều trị tại nhà, trong đó 1.811 trường hợp đang điều trị và hơn 8.130 đã điều trị khỏi. Huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho và thị xã Cai Lậy có số F0 theo dõi, điều trị tại nhà nhiều nhất trong tỉnh.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, hầu hết F0 đang được cách ly, điều trị tại nhà sức khỏe ổn định. Sở phối hợp với Hội Y học, cơ sở y tế tư nhân, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng phát hiện, điều trị và chuyển các trường hợp diễn tiến nặng đến cơ sở điều trị nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tuyến y tế cơ sở góp phần chăm sóc, điều trị tại nhà tốt nhất cho F0, giảm số ca chuyển nặng phải đưa lên các tầng điều trị trên, tạo niềm tin trong nhân dân. Hiện, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Trạm Y tế lưu động phục vụ cho công tác theo dõi, điều trị F0 tại nhà.
Các Trạm Y tế, Trung tâm Y tế phân công nhân viên phụ trách theo dõi, quản lý các F0 tại nhà trên địa bàn; huy động lực lượng y tế ấp, dân quân, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ... tham gia hỗ trợ theo dõi, chăm sóc các F0 tại nhà, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm vaccine Pfizer liều 0,2ml
Ngày 1/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Quyết định 457, vaccine được phê duyệt có tên Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine).
Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, theo Quyết định này: Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid).
Vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.
Về dạng bào chế, Vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm; vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
Để chuẩn bị công tác tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập huấn trực tiếp cho khoảng 1.350 nhân sự thuộc các đội tiêm trên địa bàn thành phố và chia thành 7 lớp (1 lớp/ngày) bắt đầu từ ngày 1/3 đến ngày 11/3/2022, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung lớp tập huấn gồm: Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng; Hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm vaccine; Cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng và quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm xảy ra.
Với lớp tập huấn này, Ban Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) mong muốn ôn tập kiến thức đã có cũng như cung cấp và cập nhật thêm nội dung mới cho học viên. Qua đó, giúp các y, bác sỹ có thể tiếp cận nhanh hướng dẫn đã tập huấn khi chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ được triển khai.
PV