Trong ngày 29/5, Việt Nam ghi nhận thêm 286 ca mắc mới. Trong đó có 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh Đồng Nai (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (6 ca) và Quảng Nam (2 ca). Ở trong nước ghi nhận 277 ca mắc mới: Bắc Giang (170 ca), Bắc Ninh (52 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (29 ca), Hà Nội (7 ca), Lạng Sơn (7 ca), Hà Nam (3 ca), Hải Dương (2 ca). Các địa phương Long An, Tây Ninh, Điện Biên, Bạc Liêu, Gia Lai và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh mỗi nơi ghi nhận 1 ca mắc mới. Có 3 địa phương lần đầu ghi nhận ca mắc mới ở đợt dịch này là Bạc Liêu, Tây Ninh và Gia Lai.
Tính đến 18 giờ ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5354 ca ghi nhận trong nước và 1502 ca mắc COVID-19 nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3784 ca.
Đáng lưu ý là thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong ngày 29/5, cho biết: Qua giải trình gene các mẫu bệnh phẩm COVID-19, các nhà khoa học của Viện đã phát hiện đột biến gene trong 4/32 mẫu bệnh phẩm.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông tin phát hiện có đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.167.2 (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ). Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh). Dữ liệu B.1.167.2 trên GISAID hiện tại chưa ghi nhận đột biến mất Y144, nên đột biến này vẫn cần theo dõi và nghiên cứu thêm.
Chống dịch như chống giặc để đảm bảo mục tiêu kép
Ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe nhân dân, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa, đảm bảo mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành kết hợp hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Trong đó, lấy tấn công là chính, mang tính đột phá, phòng ngừa là quan trọng, quyết định; thực hiện phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, với phương châm “5K+vaccine+công nghệ”.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, tiếp cận vaccine phòng COVID-19 là một trong những ưu tiên không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Quan điểm của Việt Nam là phải tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng vaccine rộng nhất. Mặc dù vậy, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, Việt Nam không phải là điểm nóng về dịch COVID-19 nên việc tiếp cận vaccine cũng hạn chế hơn do các đơn vị cung ứng vaccine ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng, trình Chính phủ xem xét, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động phải cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19. Mức hưởng chế độ sẽ tính theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội về mức hưởng chế độ ốm đau, tức là bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc
Bắc Giang thực hiện "4 tại chỗ"
Ngay trong chiều 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về Bắc Giang chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trên tinh thần "3 không" (không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách…). Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh tại Bắc Giang. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan quan tâm triển khai ngay các giải pháp, những đề nghị mà Bắc Giang đề xuất. Yêu cầu đối với Bắc Giang là phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh…
Thực hiện giải pháp “4 tại chỗ”, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã bố trí 13 khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với tổng 3.600 giường. Tỉnh đang tiếp tục khảo sát, chuẩn bị các cơ sở mới đáp ứng thêm khoảng 1.800 giường; đã hoàn thành 1 đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) tại Bệnh viện Phổi với 50 giường; đang khẩn trương xây dựng thêm 1 trung tâm ICU tại Bệnh viện Tâm thần (100 giường) để điều trị bệnh nhân nặng.
Dự báo trong những ngày tới, số lượng ca mắc tại tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục tăng do tỉnh đang tập trung xét nghiệm lần 3-4. Qua kết quả test nhanh, số lượng công nhân bị phơi nhiễm cao.
Bộ Y tế đã chuyển hàng trăm nghìn liều vaccine về cho hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân, những người có nguy cơ mắc bệnh tại hai tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn khi khu công nghiệp trở lại sản xuất bình thường. Đồng thời, Bộ Y tế đã giao 2 Thứ trưởng - “tư lệnh” 2 bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh và Bắc Giang trong vòng 7 ngày phải thực hiện tiêm xong 200.000 liều vaccine tại mỗi tỉnh. Bộ Y tế sẽ điều 1.000 nhân lực ở Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai và các lực lượng y tế khác hỗ trợ 2 địa phương...
UBND tỉnh Bắc Giang ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất ít, một số doanh nghiệp lớn nguy cơ lây nhiễm thấp, trung bình nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu (Apple, Samsung, Honda, Toyota) và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại. Đến ngày 29/5 đã có 2 doanh nghiệp với gần 200 lao động bắt đầu làm việc. Tỉnh tiếp chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều.Về an sinh xã hội, đã cơ bản đáp ứng được kịp thời nhu cầu thiết yếu của công nhân trong các khu nhà trọ, người dân trong các khu vực phong tỏa.
PV