Trường THCS Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) tổ chức cho học sinh học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN |
Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Lai Châu có khoảng 140.000 học sinh các cấp, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, để phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 15/2, Sở đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố cho học sinh các cấp nghỉ học. Sở cũng sớm triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua mạng (điện thoại, E.mail, Zalo…) để học sinh theo kịp chương trình. Tuy nhiên, toàn tỉnh có tới 30% số học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn nên không tiếp cận được phương pháp dạy học trực tuyến, học qua mạng do điểm bản ở xa trung tâm nên không có mạng internet, điện thắp sáng, tivi…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu Đinh Trung Tuấn cho biết: Việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua mạng đối với địa bàn khó khăn như Lai Châu là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh học không thể tới trường. Trong điều kiện học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 lây lan như hiện nay thì hình thức dạy học này đáp ứng nhu cầu và mong muốn của học sinh, phụ huynh. Nội dung kiến thức lựa chọn để dạy trên truyền hình, dạy qua mạng được lựa chọn hợp lý, phù hợp với đặc thù của tỉnh Lai Châu.
Giáo viên Trường THCS xã Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu) tổ chức hướng dẫn giao bài tập và thu bài cho học sinh ở các bản vùng sâu vùng xa. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN |
Ông Đinh Trung Tuấn chia sẻ: Thời gian này, các thầy, cô giáo phải có mặt tại trường, các điểm bản để vận động, hướng dẫn học sinh tập trung học trực tuyến, học qua mạng internet. Trong trường hợp học sinh không tiếp cận được phương pháp học trực tuyến, học qua mạng thì giáo viên phải có mặt để hướng dẫn ôn tập, giao bài tập, thu và trả bài… Các Phòng Giáo dục các huyện, thành phố thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra công tác triển khai dạy học ở cơ sở.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cũng mong muốn phụ huynh học sinh yên tâm, quản lý chặt chẽ con em mình để góp phần phòng, chống dịch COVD-19; tăng cường phối hợp với nhà trường, tổ chức cho con em học trực tuyến, học qua mạng và nhận, trả bài theo kế hoạch. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định lùi thời gian kết thúc năm học 1,5 tháng và tinh giảm nội dung chương trình dạy học là phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay.
Giáo viên Trường THCS xã Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu) đến tận các hộ gia đình vận động học sinh tham gia học trực tuyến, học qua mạng. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN |
Tại huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu), năm học này có hơn 14.000 học sinh các bậc học, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè (Lai Châu) Lý Mỹ Ly cho biết: Căn cứ vào các văn bản chuyên môn do Sở hướng dẫn, điều kiện thực tế địa bàn, lực học của học sinh để lựa chọn kiến thức, kỹ năng cần ôn luyện phù hợp từng khối lớp, đối tượng học sinh, các trường học đã nghiêm túc thực hiện chương trình dạy học trực tuyến, dạy học qua mạng internet. Tuy nhiên, do địa bàn biên giới khó khăn, đời sống của bà con dân tộc còn nhiều thiếu thốn nên toàn huyện hiện có hơn 30% học sinh không có điều kiện để tiếp cận với phương pháp học này.
Giáo viên Trường Tiểu học và Trường THCS xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu) bám bản để hướng dẫn học sinh học bài qua mạng. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mường Tè cho hay, khi triển khai học trực tuyến, học qua mạng thì giáo viên phải xuống bản hướng dẫn các em học sinh học bài. Đối với vùng sâu, vùng xa thì phương thức dạy học này hiệu quả không cao, vì không có sự tương tác giữa thầy, cô và học sinh. Khắc phục hạn chế này, đơn vị đã yêu cầu giáo viên các trường phải xuống bản, trực tiếp quản lý, theo dõi, tổ chức và hướng dẫn học sinh học bài đầy đủ; thường xuyên báo cáo tình hình dạy và học về Phòng Giáo dục. Trong điều kiện toàn dân chung sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì phương thức dạy học trực tuyến và qua mạng internet giúp nâng cao ý thức học tự giác cho học sinh. Để phát huy hiệu quả của phương thức dạy học này ở vùng khó khăn như Lai Châu, theo cô Lý Mỹ Ly, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần được bổ sung, trang bị thêm cho phù hợp, giúp giáo viên có thể xây dựng, tổ chức từng nhóm học sinh để dạy học.
Việt Hoàng
TTXVN