Dịch COVID-19: Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo vệ an toàn cho trẻ đến trường

 Tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên trong sáng 30/1 tại trường tiểu học Lý Nam Đế. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên trong sáng 30/1 tại trường tiểu học Lý Nam Đế. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 16 giờ ngày 16/2 đến 16 giờ ngày 17/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 36.200 ca mắc mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 36.190 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 25.345 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm Quảng Ninh (941 ca), Bắc Giang (401 ca), Hòa Bình (282 ca).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 30.321 ca/ngày.

Trong ngày 17/2, có 5.810 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 90 ca tử vong.

Bảo vệ an toàn cho trẻ đến trường học

Thành phố Hồ Chí Minh đang là địa phương có tỷ lệ học sinh các cấp đi học trực tiếp cao nhất cả nước. Ngành Giáo dục và ngành Y tế phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học, đặc biệt là trẻ Mầm non và Tiểu học.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tỷ lệ học sinh các cấp đến trường học trực tiếp trên địa bàn Thành phố tăng dần theo ngày, cấp Mầm non đạt 66,33%; Tiểu học đạt 95,99%; cấp Trung học Cơ sở đạt 96,98% và cấp Trung học Phổ thông 98,93%. Những ngày qua, Sở Giáo dục và Sở Y tế Thành phố phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra thực tế tại cơ sở, theo đó các trường đã tổ chức nhiều hoạt động tạo tâm lý hứng khởi cho học sinh đến trường. Công tác chăm sóc trẻ, dạy học, phòng, chống dịch được đảm bảo. Các tình huống phát hiện F0 trong trường học được xử lý kịp thời, đúng quy trình theo hướng dẫn.

Tính từ ngày 14/2, thời điểm học sinh Mầm non, Tiểu học và lớp 6 đi học trực tiếp trở lại (lớp 7-12 đã đi học lại trước đó) đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 trong trường học ở các cấp, cụ thể như sau: Ngày 14/2 có 27 ca, ngày 15/2 phát hiện 50 ca, ngày 16/2 có 86 ca, riêng ngày 17/2 chưa thống kê nhưng có khả năng tăng hơn so với những ngày trước.

Liên quan đến việc phát hiện các F0 trong trường học, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có xu hướng tăng nhẹ, xuất phát từ việc người dân tăng di chuyển trong dịp nghỉ Tết vừa qua. Khi số ca F0 trong cộng đồng tăng cùng thời điểm học sinh đồng loạt đi học trở lại thì sẽ có những F0 được phát hiện trong trường học.

Hiện nay ngành Y tế và Giáo dục Thành phố đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ chưa tiêm vaccine. Do đó, khi phát hiện F0 tại cấp Mầm non, Tiểu học thì F0 và các F1 đều được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Chiều 17/2, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, coi việc đưa học sinh đi học trở lại trường học trực tiếp là nhiệm vụ quan trọng, chủ động phối hợp với các nhà trường triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, bảo đảm tổ chức dạy học an toàn.

Về lộ trình cho học sinh đi học trở lại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, ngành Giáo dục Hà Nội đã tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của 18 huyện, thị xã; học sinh lớp 7 đến lớp 12 của 12 quận trở lại trường. Từ ngày 21/2, tiếp tục tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận đến trường. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang xây dựng dự thảo xin ý kiến thành phố từ ngày 1/3, tùy theo diễn biến dịch, có thể cho cấp mầm non đi học trên tinh thần tự nguyện, thống nhất với phụ huynh.

Để đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận trở lại trường từ ngày 21/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố, giám sát đôn đốc các nhà trường triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và đảm bảo chất lượng giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện tổ chức diễn tập cho học sinh đi học trở lại; Ban Chỉ đạo chống dịch các quận, huyện, thị xã bàn giao hoàn trả cơ sở giáo dục cho các nhà trường thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh trở lại.

Dịch COVID-19: Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo vệ an toàn cho trẻ đến trường ảnh 1Tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên trong sáng 30/1 tại trường tiểu học Lý Nam Đế. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Các tỉnh, thành phố trong cả nước đang tập trung triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận, trong ngày 16/2, toàn tỉnh đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 2.148 người. Như vậy, đến nay đã có hơn 900.000 người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 (đạt 100%); 99% trong số đó được tiêm mũi 2 và 35% được tiêm mũi nhắc lại (mũi 3). Kể từ khi triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi từ tháng 11/2021 đến nay, Bình Thuận đã hoàn thành 100% tiêm chủng mũi 1 cho gần 129.000 trẻ và 94% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng mũi 2.

Từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang từng bước được kiểm soát, số ca mắc mỗi ngày dao động trên dưới 100 ca. Tuy nhiên xác định việc tiêm đủ liều vaccine rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần kiểm soát số bệnh nhân nặng, giảm số ca tử vong, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi nhắc lại cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên và tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm mũi 2; phấn đấu tiêm đủ mũi cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Ngành Y tế chỉ đạo các lực lượng liên quan phối hợp các địa phương khẩn trương rà soát tránh bỏ sót đối tượng trong diện được tiêm chủng; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của tiêm vaccine phòng COVID-19 để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ; đẩy nhanh tiến độ tiêm, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

"Tiếp tục thực hiện rà soát, lập kế hoạch chi tiết để tiêm bổ sung vaccine COVID-19 cho các đối tượng chưa được tiêm; nhất là lưu ý bao phủ cho các đối tượng nguy cơ cao tại các địa phương trên 95% (bao gồm cả liều bổ sung và nhắc lại)", là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân - Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tỉnh giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố thực hiện tại Thông báo số 62/TB-VPUB ngày 16/2 do Văn phòng UBND tỉnh ban hành.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP; trong đó, việc chuyển hướng sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để địa phương bùng phát dịch diện rộng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2, mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi và đối tượng 12-17 tuổi đảm bảo an toàn; chủ động quản lý, điều phối lịch tiêm dựa trên số lượng trẻ được tiêm, địa điểm tiêm, đội tiêm, đội cấp cứu đã phân công cho địa phương cũng như thực tế tình hình dịch bệnh và hoàn thành kế hoạch tiêm chủng mùa Xuân trước 28/2/2022.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm