Người dân thủ đô du xuân tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Ảnh: Danh Lam – TTXVN |
Hướng đến giá trị tinh thần cao đẹp
Đến bất kỳ di tích nào tại Hà Nội trong những ngày đầu năm sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh ông đồ cắm cúi trên mảnh giấy điều đỏ, phóng bút “rồng bay, phượng múa” để viết chữ cho những người đến xin. Cả người cho chữ và người xin chữ đều vui vẻ, thành tâm gửi theo nét chữ tâm nguyện về những điều tốt lành. Khi nhu cầu xin chữ và viết thư pháp ngày càng rộng mở, Hội chữ Xuân tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành nơi tụ hội những người yêu nghệ thuật thư pháp và nơi người dân Thủ đô đến vui chơi, xin chữ đầu năm.
Bước chân vào Hội chữ Xuân Kỷ Hợi, người ta được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật thư pháp với cách bài trí gần gũi, hấp dẫn đậm chất hoài cổ. Đó là những lều tre để các ông đồ ngồi viết thư pháp; là quang cảnh trường thi với nhà Thập đạo, chòi canh, lều chõng; là nơi trưng bày những bức thư pháp tuyệt đẹp, là những góc trang trí mang văn hóa Tết của vùng đồng bằng Bắc Bộ, các chương trình nghệ thuật truyền thống... Cách bài trí, sắp đặt hài hòa với không gian di tích, chuyển tải khéo léo tinh thần của Hội chữ Xuân Kỷ Hợi là hướng đến văn hiến.
Chậm rãi rảo bước quanh hồ Văn, cũng là dọc theo lều chữ của các ông đồ, bác Hoàng Văn Vinh, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông dừng chân tại gian hàng của một ông đồ. Sau một hồi nhìn ngắm gian hàng, xem ông đồ viết chữ, cùng trò chuyện với ông đồ, bác Hoàng Văn Minh nhờ ông đồ viết cho mình chữ “Đạt” với mong muốn mọi việc trong năm mới đều hanh thông, đạt được theo ý nguyện. Bác chia sẻ, thủa nhỏ có nhiều năm bác theo ông nội sang nhà thầy đồ trong làng xin chữ vào đầu năm. Sau một thời gian gián đoạn, giờ phong tục xin chữ đầu năm lại được khôi phục, đó là điều rất quý.
Người dân thủ đô du xuân tại khu vực hồ Văn, Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Ảnh: Danh Lam – TTXVN |
Đối với các ông đồ, tham gia Hội chữ Xuân với mục đích chính là mong muốn giới thiệu nét đẹp truyền thống thư pháp đến đông đảo nhân dân và cũng để thể hiện khả năng viết thư pháp của mình. Được viết thư pháp, trao lại niềm vui cho khách trong những ngày đầu năm mới, được hoạt động tại một không gian di sản văn hóa là điều ai cũng phấn khởi.
Tại các gian hàng khác cũng rất đông người đến xin chữ và đến xem các ông đồ thể hiện khả năng viết thư pháp, đặc biệt là gian hàng của “đại lão” thư pháp Cung Khắc Lược. Không chỉ là người lớn tuổi mà rất đông thanh niên, thậm chí cả trẻ nhỏ theo cha mẹ đến xin chữ. Không chen lấn xô đẩy, không vội vã như thường thấy ở những sự kiện đông người khác, khách đến đây đều mang tâm niệm đến thưởng chữ, xin chữ do vậy đều văn minh trong ứng xử.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trưởng Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 cho biết, trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, mỗi ngày Hội chữ đón khoảng 1,2 – 1,3 vạn khách đến tham quan. Ngay thời điểm Giao thừa đã có rất đông người đến xin chữ.
Người dân thủ đô du xuân tại khu vực hồ Văn, Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Ảnh: Danh Lam – TTXVN |
Đảm bảo một môi trường văn hóa văn minh
Tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân mong muốn mang lại một hoạt động văn hóa an toàn, văn minh trong những ngày đầu năm, đảm bảo đúng với ý nghĩa của Hội chữ Xuân.
Nhiều năm nay, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân phối hợp cùng lực lượng công an giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, xây dựng nội quy, quy định về thời gian, giá cả từng chủng loại giấy viết chữ, đồng thời yêu cầu người tham gia viết chữ thực hiện đúng các quy định của Ban Tổ chức đặt ra.
Năm năm nay, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 khẳng định, những trường hợp ông đồ vi phạm quy định của Ban tổ chức sẽ bị đình chỉ tại chỗ và đình chỉ vĩnh viễn, không còn cơ hội tham gia sự kiện văn hóa này. Theo lý giải của Ban Tổ chức, Hội chữ Xuân là hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong ngày đầu năm nên những người tham gia, kể cả người xin chữ và cho chữ cần có ứng xử đẹp. Vì vậy, dù có bất kỳ vấn đề gì xảy ra không thể có trường hợp các ông đồ bất hòa, căng thẳng với nhau làm ảnh hưởng đến Hội chữ và ảnh hưởng đến hình ảnh của các ông đồ nói chung.
Ông đồ Phạm Đình Ngọc, Câu lạc bộ Thư pháp Việt UNESCO cho rằng việc mạnh tay xử lý với những trường hợp vi phạm tại Hội chữ Xuân là cần thiết bởi một không gian văn hóa không thể có những hành vi ứng xử không phù hợp.
Thực tế, việc xảy ra các vấn đề mất trật tự tại một sự kiện giàu tính văn hóa như Hội chữ Xuân là trường hợp hy hữu. Nhưng dù sao, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân vẫn tăng cường công tác quản lý, xiết chặt kỷ cương trong hoạt động của các ông đồ cũng như hướng dẫn khách tham quan, tạo hình ảnh đẹp cho Hội chữ. Vấn đề này được đông đảo người tham gia Hội chữ Xuân ủng hộ.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trưởng Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Kỷ Hợi, năm nay nề nếp hoạt động của Hội chữ chuyển biến tốt hơn các năm trước. Từ khi khai mạc Hội chữ (ngày 24/1) đến nay, chưa xảy ra trường hợp bất cập nào liên quan đến văn hóa ứng xử, mọi người đến Hội chữ Xuân đều ý thức cao.
Nhìn chung, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 đảm bảo là sự kiện văn hóa văn minh, an toàn, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô trong những ngày đầu năm mới. Hội chữ đã trở thành địa chỉ người dân Thủ đô cũng như du khách mong muốn được đến mỗi khi nhắc tới trong những ngày đầu năm mới.
Đinh Thuận