Đem sức trẻ "gieo" chữ trên quê nghèo

Đem sức trẻ "gieo" chữ trên quê nghèo
Cô giáo Tạ Thị Thanh Huyền thường gần gũi giúp đỡ học sinh nghèo
Cô giáo Tạ Thị Thanh Huyền thường gần gũi giúp đỡ học sinh nghèo
Cuối năm 2006, lúc đó, Tạ Thị Thanh Huyền mới hơn 20 tuổi, đã thể hiện tinh thần xung kích, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, rời vùng quê Nghệ An vào nhận công tác tại Trường Tiểu học Phi Liêng, xã Phi Liêng (Đam Rông). Đến nay, sau một chặng đường dài công tác tại ngôi trường ở vùng đặc biệt khó khăn, cũng chừng ấy thời gian cô không ngừng nỗ lực, tâm huyết với nghề, truyền thụ kiến thức cho học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhớ lại những khó khăn ngày đầu về công tác tại quê nghèo Đam Rông, cô giáo Tạ Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Thực sự khi mới về trường, tôi rất bỡ ngỡ bởi vì tôi đang ở miền xuôi lại về công tác ở vùng miền núi; điện lưới, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn nên phải đến tận nhà vận động để gia đình cho con đến trường”. Thực tế, những năm học trước đây, tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học giữa chừng xảy ra phổ biến ở các trường học thuộc huyện vùng sâu Đam Rông nói chung và ở Trường Tiểu học Phi Liêng nói riêng. Cứ mỗi lần như vậy, cô Huyền thường phải lội suối, vượt qua những đoạn đường đèo dốc để đến nhà học sinh gặp gỡ, vận động phụ huynh đưa trẻ trở lại trường. Ngoài ra, trường lớp tạm bợ, chủ yếu được làm bằng tranh, tre, nứa, lá; số đông học sinh là con em đồng bào địa phương chưa nói giỏi tiếng phổ thông cũng là những trở ngại lớn đối với người giáo viên.  
Trước những khó khăn đó, cô Huyền không ngừng trau dồi kiến thức, tìm tòi phương pháp giảng dạy mới phù hợp với từng đối tượng học sinh. Cô vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, tích cực sử dụng đồ dùng dạy học trong từng môn học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh nhằm đạt hiệu quả giảng dạy cao. Bên cạnh việc dạy kiến thức, cô Huyền còn dành nhiều thời gian gần gũi, dạy bảo học sinh rèn luyện đạo đức và những kỹ năng sống cần thiết nhất. “Tôi nghĩ mình cần phải dành những tình cảm chân thành đối với các em. Nếu như người giáo viên yêu thương các em thực sự thì mọi khó khăn sẽ đều được khắc phục để giúp các em có khả năng tiếp nhận kiến thức một cách tốt nhất”, cô Thanh Huyền cho biết. 
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, cô Huyền còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào thi đua dạy tốt - học tốt do tổ chức Công đoàn, Chi đoàn giáo viên nhà trường cũng như ngành giáo dục địa phương triển khai. Thành tích nổi bật là năm học 2014-2015, cô được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; trong những năm học qua, cô còn đoạt giải ba Hội thi giáo viên trẻ huyện Đam Rông cùng với nhiều danh hiệu khen thưởng khác. Cô được học sinh kính trọng, phụ huynh và đồng nghiệp quý mến, được Chi bộ, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phi Liêng đánh giá cao. Học sinh K’Glàng - lớp 5A, Trường Tiểu học Phi Liêng, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, bày tỏ: “Cô Huyền rất gần gũi, dạy bảo chúng em rất tận tình. Ngày trước nếu không được cô Huyền vận động thì có lẽ em đã nghỉ học rồi. Giờ em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của cô”. Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phi Liêng nhận xét: “Cô Tạ Thị Thanh Huyền là một giáo viên trẻ rất nhiệt tình, năng động. Cô luôn vượt qua khó khăn để giúp các em học sinh, nhất là học sinh ở các điểm trường lẻ học hành chăm chỉ. Cô cũng là người có nhiều nỗ lực trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt”.
Với những thành tích và sự cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vừa qua, cô Tạ Thị Thanh Huyền là giáo viên trẻ duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được chọn tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Đây là chương trình được tổ chức nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy, cô giáo xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học điểm lẻ ở miền núi, có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm