Biến tướng
Dạy thêm, học thêm từ nhiều năm nay được nhắc đến như một căn bệnh “trầm kha” của ngành giáo dục. Từ một phong trào học tập được khuyến khích là kèm cặp, bổ trợ kiến thức với những học sinh yếu, kém, trung bình; bồi dưỡng học sinh giỏi; thì nay nơi nơi học thêm, dạy thêm với những biến tướng khác nhau. Nguyên nhân có nhiều, như việc giáo viên chạy theo thành tích, nên buộc học sinh phải học thêm; phụ huynh dù không muốn nhưng cũng phải cho con đi vì sợ bị thầy cô “trù úm”.
Dạy thêm, học thêm từ nhiều năm nay được nhắc đến như một căn bệnh “trầm kha” của ngành giáo dục. Từ một phong trào học tập được khuyến khích là kèm cặp, bổ trợ kiến thức với những học sinh yếu, kém, trung bình; bồi dưỡng học sinh giỏi; thì nay nơi nơi học thêm, dạy thêm với những biến tướng khác nhau. Nguyên nhân có nhiều, như việc giáo viên chạy theo thành tích, nên buộc học sinh phải học thêm; phụ huynh dù không muốn nhưng cũng phải cho con đi vì sợ bị thầy cô “trù úm”.
Bên cạnh đó, để tạo thêm thu nhập, một bộ phận giáo viên cũng tìm cách để học sinh buộc phải tham gia học thêm. Cụ thể, ở trên lớp giáo viên không dạy hết kiến thức mà để dành cho lớp học thêm; hay ra những dạng bài “trúng tủ” trong các kỳ thi, kiểm tra cuối kỳ... Những thực tế này đã khiến dạy thêm, học thêm có nhiều biến tướng, mất đi ý nghĩa ban đầu, trở thành hiện tượng xấu, bị xã hội lên án.
Học sinh cần những giờ học thêm ngoại khóa chứ không đơn thuần là kiến thức. |
Bộ GD - ĐT trong những năm gần đây cũng đã phải liên tục đưa ra các quy định kiểm soát việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể, Thông tư số 17 của Bộ GD - ĐT ban hành tháng 5/2012, quy định rõ: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Dạy thêm học thêm về bản chất là một hoạt động tốt trong nhà trường và không nên cấm hoàn toàn, chỉ cấm những biến tướng của nó. |
Tại các địa phương, hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm cũng được thực hiện gắt gao. Theo bà Phạm Thị Hằng, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Thanh Hóa, từ quy định của Bộ GD - ĐT, trong những năm qua, Sở yêu cầu thủ trưởng các đơn vị công khai số điện thoại của Phòng GD - ĐT, Sở GD - ĐT để người dân có thể phản ánh về dạy thêm, học thêm. “Đồng thời với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Sở liên tục tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề về dạy thêm, học thêm", bà Hằng cho biết. Còn theo ông Trần Văn Nghìn, Chánh Văn phòng Sở GD - ĐT Hải Dương, năm học qua, Sở đã làm công tác tuyên truyền cho nhân dân nắm bắt được việc Bộ GD - ĐT cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học, không giao bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, không tổ chức thi học sinh giỏi, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ đối với học sinh tiểu học. Các nhà trường ký cam kết với phòng GD - ĐT, giáo viên ký cam kết với nhà trường không vi phạm quy định dạy thêm, học thêm. “Sở yêu cầu các nhà trường, phòng GD - ĐT phối kết hợp với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, khu dân cư, công an phường trong việc phát hiện, phản ánh và yêu cầu giáo viên ngừng dạy thêm trái quy định. Các cấp quản lý giáo dục xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm tùy theo mức độ bằng nhiều hình thức: Cắt thi đua, xử phạt hành chính, kỷ luật theo Luật Công chức, viên chức đối với các tập thể cá nhân vi phạm”, ông Trần Văn Nghìn cho biết. Mặc dù có sự quản lý và chỉ đạo chặt chẽ, song việc dạy thêm, học thêm trái quy định, dạy thêm, học thêm chưa được cấp phép trong và ngoài nhà trường, dạy thêm ở tiểu học... vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là địa bàn thành phố. Cần giải pháp đồng bộ Trên thực tế, dạy thêm, học thêm không phải là một vấn đề xấu; nếu không nói là một mặt tích cực của giáo dục trước đây, khi dạy thêm, học thêm tập trung vào hai đối tượng: Học sinh có năng khiếu được bồi dưỡng để phát huy khả năng, tham gia thi học sinh giỏi; học sinh có trình độ chưa vững được phụ đạo để đảm bảo theo kịp các bạn trong lớp. TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT cho biết, dạy thêm, học thêm về bản chất là một hoạt động tốt trong nhà trường và không nên cấm hoàn toàn, chỉ cấm những biến tướng của nó. “Không thể cấm việc phụ huynh muốn giáo viên kèm cặp con cái mình. Đây là nhu cầu của một xã hội học tập. Bên cạnh đó, việc dạy thêm, học thêm chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn, nơi có những phụ huynh có nhu cầu đa dạng trong dạy và học như muốn con đi du học, muốn đào tạo tài năng trong một lĩnh vực cụ thể... Còn hầu hết học sinh ở nông thôn, chiếm tỷ lệ lớn, đều không đi học thêm”, TS Nguyễn Kế Hào cho biết. Cũng theo TS Nguyễn Kế Hào, cần giải quyết triệt để những biến tướng trong dạy thêm, học thêm và xử lý trực tiếp những cá nhân, tổ chức đã làm sai trong vấn đề dạy thêm, học thêm; chứ không phải vì thế mà cấm chung việc dạy thêm, học thêm. Một trong những nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng dạy thêm, học thêm là chương trình học nặng, cần có thời gian “bổ túc” thêm cho học sinh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, cách đặt vấn đề như vậy là không chính xác. Đơn cử như môn toán được xem là một trong những môn chính trong trường học và số học sinh đi học thêm nhiều nhất. Nhưng theo TS Trần Nam Dũng (giảng viên Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thì so với các quốc gia khác trên thế giới, chương trình sách giáo khoa (SGK) toán học của Việt Nam không quá nặng, vấn đề chỉ là cách tổ chức dạy học chưa phù hợp. Đồng tình về vấn đề chương trình học góp phần làm tăng chuyện dạy thêm, học thêm, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD - ĐT Đà Nẵng cho biết Sở đang họp bàn để đưa ra kế hoạch trong năm học tới về đổi mới cách tổ chức dạy học. Theo ông Vĩnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh, phụ huynh thích học thêm đó là “Tâm lý học nặng, thi nặng”. Như vậy, để giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm đang làm bức xúc xã hội hiện nay sẽ cần những giải pháp phù hợp hơn và chính xác hơn từ phía Bộ GD - ĐT; thay cho việc cứ thấy không quản được là cấm. Bên cạnh đó, cũng cần có những đổi mới trong tư duy dạy và học, trong chương trình học... theo hướng hiện đại; tránh tình trạng quá đặt nặng kiến thức, dẫn tới việc tự bản thân các gia đình, học sinh cũng có nhu cầu phải học thêm.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ không ủng hộ Quan điểm của Bộ là cấp tiểu học không được dạy thêm, học thêm các môn văn hóa, thậm chí với những trường dạy học 2 buổi/ngày giáo viên còn không được giao bài tập về nhà cho học sinh. Bộ đã ban hành nhiều văn bản quy định về vấn đề này, nhưng địa phương là nơi tổ chức thực hiện lại chưa hiệu quả. Các bậc phụ huynh và giáo viên phải nhìn nhận được rằng, việc học tập là để đảm bảo kiến thức kỹ năng, nhưng quan trọng hơn là phát triển toàn diện, học sinh phải được trải nghiệm cuộc sống, phải được rèn kỹ năng. Bộ sẽ đưa ra những hình thức giáo dục giá trị một cách phù hợp hơn, không quá tập trung vào kiến thức. Do đó, sẽ không gây áp lực cho tâm lý lên giáo viên, học sinh và phụ huynh; đó cũng là cách để giảm thiểu dạy thêm, học thêm. TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội: Tư duy của phụ huynh là gánh nặng Căn nguyên của thực trạng dạy thêm, học thêm là do phụ huynh quá quan tâm đến thành tích học tập của trẻ. Đã có phụ huynh nói với con: “Ai cũng muốn khoe con, vậy làm sao cho bố mẹ được khoe con mới là có hiếu”. Với suy nghĩ này, cha mẹ sẽ không bao giờ hài lòng với kết quả của việc cạnh tranh lành mạnh trong lớp học. Họ sẽ tìm cách can thiệp vào các kết quả học tập của con và vấn nạn dạy thêm, học thêm lan tràn chỉ là 1 trong các hậu quả của tình trạng này. Bên cạnh đó, lương thấp là hậu quả của việc xếp mức lương của giáo viên cùng hệ thống với các công nhân viên chức khác. Nếu không có cách tính lương riêng biệt thì tình trạng này không thay đổi. Vấn đề học để thi là do bệnh thành tích trong phụ huynh gây ra. Vì thế, để giải quyết tình trạng này, chỉ có thể thực hiện được nếu thay đổi được suy nghĩ của phụ huynh. Về phía giáo viên và quản lý, nếu ai cũng hoàn thành tốt công việc của mình một cách chân thành, nhiệt tình và không vụ lợi, mọi chuyện căng thẳng sẽ có thể giải quyết được và xã hội chắc chắn sẽ có những động thái thay đổi để giáo viên có cuộc sống tốt đẹp hơn. |