Thuận lợi ở vùng thấp Đều đặn 8 giờ hàng ngày, chỉ với vài thao tác trên máy tính, cô giáo Đinh Thị Thùy Linh, giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã kết nối được với các học sinh của mình. Nhiều nội dung liên quan đến môn Ngữ văn được cô và trò tương tác trong vòng 40 phút qua máy tính, điện thoại thông minh… cho hiệu quả không kém so với lớp học truyền thống. Cô giáo Thùy Linh chia sẻ: Thông qua ứng dựng Zoom Meetting, cô luôn cố gắng truyền đạt nội dung bài giảng đến các em một cách tốt nhất, giúp các em không bị gián đoạn kiến thức trong thời gian ở nhà và cũng quản lý được các em trong thời điểm này. Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở thị trấn Yên Bình cho biết: Hàng ngày, em vẫn học trực tuyến theo đúng thời gian nhà trường quy định. So với lớp học truyền thống, học online không khác biệt nhiều. Nếu không hiểu bài, em hỏi trực tiếp cô giáo hoặc ghi âm tiết học để nghe lại.
Giáo viên trường THCS thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) dạy học online cho học sinh thông qua các phần mềm Zoom Meetting, ViettelStudy...Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN |
Cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái chưa đầy 10km, Trường Trung học cơ sở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình có nhiều thuận lợi trong việc dạy và học. Năm học 2019 – 2020, nhà trường có 784 học sinh ở 20 lớp. Trong thời gian nghỉ học vì dịch COVID-19, nhà trường triển khai chương trình tự học qua ViettelStudy để học sinh vào ôn luyện và làm bài tập; đồng thời triển khai thêm các chương trình qua VNPT E-Learning, kênh truyền hình Hà Nội, Zoom Meetting… Theo thống kê, trên 70% học sinh của trường đã vào tham gia học tập, riêng học sinh lớp 9 đạt trên 90%. Bên cạnh việc triển khai các phần mềm, ứng dụng học trực tuyến, các thầy cô giáo còn trực tiếp giao bài tập cho học sinh qua nhóm Zalo, Gmail..., giúp học sinh phát huy khả năng tự học và chuẩn bị tâm thế tốt để bắt nhịp nhanh với việc học ngay khi trở lại trường trong thời gian tới. Cô giáo Bùi Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do học sinh chủ yếu ở quanh khu vực thị trấn và các xã lân cận nên hầu hết các em đều có điện thoại thông minh, rất thuận lợi cho việc học online. Tùy vào từng lớp và tùy theo đề nghị của học sinh, giáo viên, nhà trường bố trí thời gian học vào các thời điểm như buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Giáo viên bộ môn dạy mỗi môn 3 tiết trong thời gian 2 tiếng, khuyến khích giáo viên dạy tại nhà, hạn chế ra ngoài để góp phần phòng, chống dịch bệnh. Cũng theo cô Thoa, nhà trường chỉ đạo các giáo viên thường xuyên theo dõi ý thức tham gia học tập của các em và chấm điểm các bài tập khi giao cho học sinh. Để khi quay trở lại trường học, giáo viên sẽ căn cứ vào đó mà chấm điểm miệng hoặc điểm kiểm tra thường xuyên. Đối với học sinh lớp 9, nhà trường yêu cầu các thầy cô giáo động viên học sinh và trao đổi với phụ huynh tạo điều kiện, thời gian để các em được tham gia đầy đủ các chương trình học. Hiện tại, có 3/5 lớp 9 đạt 100% số học sinh tham gia học. Nhà trường phấn đấu toàn bộ học sinh lớp 9 đều tham gia các chương trình học, để thầy cô giáo vừa cho ôn tập kiến thức cũ, vừa triển khai dạy học chương trình mới với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.Khó khăn ở vùng cao, vùng sâu Yên Bái là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm 57%, điều kiện kinh tế của bà con còn khó khăn, nhiều học sinh bị hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin (không có ti vi, thiết bị máy vi tính, điện thoại thông minh, điện lưới, mạng internet…) nên không thể triển khai được cách học trực tuyến hay học qua truyền hình. Cụ thể, một số trường Trung học Phổ thông ở các khu vực vùng cao, vùng sâu có tỷ lệ học sinh tham gia học online trực tuyến thấp như huyện Trạm Tấu 14,3%, xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên) 24,5%, xã Cảm Ân (huyện Yên Bình) 31,1%, xã Nậm Búng (huyện Văn Chấn) 33%, xã Púng Luông (thị xã Nghĩa Lộ) 37,3%...
Chỉ có một số nhà trường ở trung tâm các huyện, thị, thành phố có thể triển khai được hình thức học onile, trực tuyến qua các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh... Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN |
Thời gian trước, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã chỉ đạo các nhà trường cử người phô tô bài tập để chuyển đến từng học sinh qua bưu điện hoặc phối hợp với UBND các xã huy động sự hỗ trợ của trưởng thôn, bản và các tổ chức đoàn thể tại địa phương để giao-nhận bài cho học sinh 2 lần/tuần. Tuy nhiên, đến ngày 31/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có công văn 274/SGDĐT – GDTrH về việc điều chỉnh hình thức giao bài cho học sinh trong thời gian nghỉ học vì dịch COVID-19. Theo đó, các nhà trường không thực hiện hình thức giao bài cho học sinh qua bưu điện hoặc phối hợp với UBND các xã huy động sự hỗ trợ của trưởng thôn, bản và các tổ chức đoàn thể tại địa phương; tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức dạy học trên internet, trên truyền hình, giao bài qua các phương tiện internet, mạng xã hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Điều này gây khó khăn trong việc học, ôn tập bài của học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguy cơ học sinh sẽ bị gián đoạn việc học và hổng kiến thức có thể thấy rõ. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Làng Nhì, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 509 học sinh đang theo học ở 2 cấp, trong đó gần 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình các em sống rải rác ở các lưng đồi, sườn núi, có nơi điện lưới còn chưa vươn tới, nên việc trao đổi thông tin hai chiều qua mạng intenet giữa giáo viên với học sinh gần như không thể thực hiện được. Hiện chỉ có khoảng 20/509 học sinh của nhà trường được tham gia học trực tuyến, số học sinh còn lại tạm thời phải ở nhà tự học do gia đình không có điều kiện. Em Hờ A Lù, học sinh lớp 9 cho biết: Thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19 kéo dài, em chỉ lo sẽ quên hết bài vở nên ngoài việc phụ giúp việc nhà cho bố mẹ, hằng ngày em đều dành thời gian để ôn tập và làm lại các bài tập trong chương trình học kỳ I đã được học. Những phần nào còn yếu và chưa hiểu, em đánh dấu lại để khi trở lại lớp học sẽ hỏi bạn bè và thầy cô. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu cũng trong tình trạng tương tự. Trước tình hình dịch COVID-19, từ ngày 10-24/2, giáo viên nhà trường giao bài và đến tận gia đình hướng dẫn các em cách làm bài, sau đó thu sản phẩm của các em về chấm, chữa bài hàng ngày. Với cách làm này, 100% số học sinh được hướng dẫn làm bài và ôn tập. Tuy nhiên sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu có công văn số 59/PGDĐT-CM, ngày 9/3/2020 về việc không giao bài trực tiếp cho học sinh; khuyến khích các trường có điều kiện tổ chức dạy học cho học sinh qua một số phần mềm: Zoom Meeting, Bigben, ViettelStudy… nhưng trường không thể thực hiện được việc dạy học theo hình thức này. “Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học qua phần mềm Zoom Meeting, nhưng không thực hiện được vì 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc khó khăn, không có máy tính, không có điện thoại thông minh, không có mạng Internet… Đây cũng là khó khăn lớn nhất của nhà trường trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh. Chúng tôi xác định, sau khi hết dịch, học sinh quay lại trường sẽ cho các em học bù”, cô giáo Hoàng Thị Thúy Vân, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, chia sẻ. Ông Phạm Mạnh Tưởng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết, huyện cố gắng thực hiện theo sự chỉ đạo chung về việc triển khai tổ chức dạy học trên internet, truyền hình. Nhưng hiện nay, do điều kiện ở vùng cao đặc biệt khó khăn nên tỷ lệ học sinh được theo học đối với hình thức này đạt kết quả rất thấp. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ có thể hướng dẫn các trường phân công giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm vận dụng mọi cách để liên lạc với học sinh và phụ huynh nhằm đôn đốc các em tự rèn luyện và học tập tại nhà. Khi các em trở lại trường, giáo viên các trường sẽ lên kế hoạch bồi dưỡng kiến thức phù hợp cho học sinh. Trước mắt, Phòng vẫn cho học sinh nghỉ để phòng, chống dịch bệnh. Khi có chủ trương về việc cho các em đến lớp học tập, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ bố trí thời gian hợp lý để củng cố kiến thức sau thời gian nghỉ học.Vận dụng linh hoạt các cách dạy và học Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: Với phương châm “Học sinh không đến trường nhưng không dừng học tập”, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh triển khai công tác dạy học trong thời gian học sinh không đến trường dưới các hình thức như: Dạy học trực tuyến qua phần mềm Zoom Meetting, VNPT E-Learning, Microsoft Office 365; dạy học qua kênh truyền hình tỉnh Yên Bái, kênh 1, 2 Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, kênh VTV7, Đài truyền hình Việt Nam; dạy học qua hệ thống video bài giảng do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái xây dựng. Đây là các hình thức học có nhiều ưu điểm trong thời điểm cần tránh tụ tập đông người để phòng tránh dịch bệnh. Sau một thời gian triển khai, đến nay toàn tỉnh Yên Bái có 26/26 trường Trung học Phổ thông với hơn 7.000 học sinh học trực tuyến; 98/189 trường Trung học cơ sở triển khai dạy học trên internet và qua truyền hình. Ông Tuấn cho biết thêm, tới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học trên internet, trên truyền hình cho học sinh. Đối với học sinh cuối cấp, Sở sẽ chỉ đạo các phòng giáo dục tiếp tục duy trì hình thức học online, trực tuyến, củng cố kiến thức và triển khai dạy bài mới khi học sinh tham gia học đạt trên 80%. Sở cũng phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Yên Bái tiếp sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội để học sinh được học qua truyền hình; phối hợp với Cổng Thông tin điện tử tỉnh xây dựng kho học liệu điện tử phục vụ dạy học trên internet; phối hợp với VNPT Yên Bái, Viettel Yên Bái hỗ trợ các nhà trường trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật tổ chức dạy học. Đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc dạy học online, trực tuyến, Sở chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy bù vào thời gian thích hợp để bảo đảm chương trình theo quy định. Đồng thời, các trường cũng nhắc nhở học sinh trong thời gian này cần tự củng cố lại kiến thức và nâng cao kỹ năng về phòng, chống dịch bệnh.
Tuấn Anh