Để Đắk Glong thoát khỏi tình trạng huyện nghèo

Để Đắk Glong thoát khỏi tình trạng huyện nghèo

Đắk Glong là huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Đây là 1 trong 22 huyện được hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng huyện nghèo theo Quyết định 880/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chỉnh phủ về phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.

Để Đắk Glong thoát khỏi tình trạng huyện nghèo ảnh 1Do vướng ranh phân khu chức năng phát triển du lịch, chị H’Ốch (ở buôn Sa Ú Dru, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) chưa thể xây dựng nhà dù thuộc diện được hỗ trợ khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trong 2 năm 2022 - 2023

Ưu tiên nguồn lực cho huyện nghèo

Nhiều năm qua, Đắk Glong luôn là huyện được ưu tiên nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định dân di cư không theo quy hoạch.

Theo kế hoạch hỗ trợ huyện Đắk Glong thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025 được UBND tỉnh Đắk Nông ban hành vào cuối tháng 12/2022 (Kế hoạch số 797), Đắk Nông xác định sẽ thực hiện hiệu quả hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững tại huyện này. Trong đó, trọng tâm là giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các xã, các thôn, bon; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để Đắk Glong thoát khỏi tình trạng huyện nghèo ảnh 2Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn là một ưu tiên của huyện Đắk Glong trong nhiều năm nay

Cũng theo kế hoạch, Đắk Nông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Đắk Glong bình quân hằng năm giảm trên 7%. Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35% vào năm 2025. Đắk Nông cũng phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Đắk Glong, giảm từ 6/7 xã thuộc xã vùng III xuống còn 4/7 xã.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người tại huyện Đắk Glong vào năm 2025 lên thấp nhất 1,8 lần so với năm 2020. Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Để thực hiện các mục tiêu này, Đắk Nông đã tập trung nguồn lực hỗ trợ huyện Đắk Glong. Trong đó, một trong những nguồn lực lớn là từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, tổng nguồn vốn của 3 chương trình trong 2 năm 2022, 2023 hơn 535 tỷ đồng.

Cụ thể, vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 268 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 235 tỷ đồng; và vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 32 tỷ đồng.

Về mục tiêu cụ thể đối với các chương trình, Đắk Nông xác định, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% trở lên. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện phấn đấu cuối 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18.87% ; Toàn huyện có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập; 100% hộ nghèo, thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Còn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đắk Glong đặt mục tiêu đến cuối 2025 có 2/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 5 xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên.

Giải ngân chậm do nhiều vướng mắc vĩ mô

Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Đắk Glong về kết quả thực hiện và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Đắk Glong, tính đến ngày 10/11/2023, huyện đã giải ngân vốn 2 năm 2022 – 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được gần 27 tỷ đồng, đạt 8,07% dự toán giao. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện giải ngân được gần 73 tỷ đồng, đạt gần 31% dự toán giao. Chương trình có kết quả giải ngân cao nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kết quả giải ngân được gần 14 tỷ đồng, đạt hơn 42% dự toán giao.

Để Đắk Glong thoát khỏi tình trạng huyện nghèo ảnh 3Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đã khiến nhiều tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chậm tiến độ, ảnh hướng lớn để tỷ lệ giải ngân chung theo kế hoạch

Cũng theo UBND huyện Đắk Glong, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nhiều khó khăn, vướng mắc vĩ mô cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do địa phương không có quỹ đất công nên việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn huyện chủ yếu thực hiện bố trí xen ghép cho các đối tượng thụ hưởng. Cách làm này đang gặp nhiều khó khăn, cần nhiều thời gian để làm thủ tục hồ sơ (từ công tác điều tra, xác minh điều kiện cụ thể của từng hộ, thực hiện các thủ tục hành chính để cấp giấy chứng nhận…). Kết quả là tiến độ giải ngân vốn rất chậm.

Bên cạnh đó, các đối tượng thụ hưởng đều là hộ nghèo, ngoài phần kinh phí hỗ trợ của nhà nước và vốn vay, hộ gia đình không có khả năng huy động vốn đối ứng để thực hiện bố trí đất ở, đất sản xuất. Một số hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất trên địa bàn các xã: Quảng Khê, Đắk Plao, Đắk Som nằm trong quy hoạch ranh phân khu chức năng phát triển du lịch. Hiện nay, các diện tích này phải giữ nguyên hiện trạng, không thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ đất ở, nhà ở cho các hộ nghèo.

Để Đắk Glong thoát khỏi tình trạng huyện nghèo ảnh 4Trung tâm xã Quảng Khê, thủ phủ của huyện Đắk Glong. Đắk Glong cũng là 1 trong 2 huyện cuối cùng của tỉnh Đắk Nông chưa có thị trấn

Thêm nữa, đối với hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ dân có nhu cầu hỗ trợ nhà ở đa số chưa đáp ứng đầy đủ các quy định cần thiết về đất đai như: vị trí đất không quy hoạch đất ở, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không chính chủ, đất ở hiện trạng bản đồ cũ, đất chưa định vị thổ cư, vướng các quy hoạch khác… Tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng khiến nguồn kinh phí hỗ trợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng, trong khi đa phần các hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc bỏ thêm kinh phí vào xây dựng nhà ở không thực hiện được.

Việc triển khai một số nội dung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 3/7 xã của huyện (bao gồm: Quảng Hòa, Quảng Sơn và Đăk R’măng) vẫn chưa được phê duyệt. Nguyên nhân do vướng ranh giới quy hoạch bô xít theo Quyết định 866/QĐ-TTg,  ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số quy hoạch chi tiết khác liên quan.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Đắk Glong thực hiện 3 dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thì có 1 dự án vướng quy hoạch ba loại rừng nên chưa thể triển khai (dự án đường giao thông liên xã Quảng Khê – Đắk Plao). Dự án thứ hai là dự án nâng cấp hạng mục vỉa hè, điện chiếu sáng tuyến đường xã Quảng khê nối Quốc lộ 28 đi xã Đắk Som thì chủ đầu tư chưa thực hiện do giai đoạn 1 chưa được quyết toán. Hiện chỉ có công trình nâng cấp, sửa chữa đường liên xã Quảng Sơn – xã Đắk R’Măng đang triển khai thực hiện, dự kiến giải ngân hết kế hoạch vốn giao trong năm nay.  

Tương tự, dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đang tắc do các vướng mắc, điển hình như: nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thuộc diện hộ nghèo, hộ cần nghèo có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về đất đai. Trong đó, nhiều tiêu chí rất khó giải quyết, tháo gỡ, chẳng hạn như: đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất chưa có đất ở (nông thôn); đất nằm trong quy hoạch bô xít, quy hoạch ba loại rừng…

Để Đắk Glong thoát khỏi tình trạng huyện nghèo ảnh 5Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp nhiều vướng mắc do quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch bô xít, quy hoạch phát triển du lịch…

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và hoàn thành các hạng mục, dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Đắk G’long đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư nằm trong vùng quy hoạch bô xít, quy hoạch 3 loại rừng. Đồng thời, huyện đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sớm ban hành định mức, hướng dẫn đối với một số tiểu dự án chưa được hướng dẫn.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Đắk Glong đề nghị tỉnh Đắk Nông kiến nghị trung ương sớm bổ sung Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vào đối tượng thụ hưởng các nội dung giáo dục nghề nghiệp để có cơ sở pháp lý triển khai các nội dung liên quan. Đối với tiểu dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, UBND huyện Đắk Glong đề nghị sớm phê duyệt danh sách điều chỉnh, bổ sung để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện giải ngân nguồn vốn năm 2023.

Bên cạnh đó, Đắk Glong cũng kiến nghị một số nội dung liên quan tới nguồn vốn đối ứng trong quá trình thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, tổng nhu cầu vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện 3 chương trình trong 2 năm 2022 - 2023 gần 26.5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới đối ứng được gần 12 tỷ đồng (chiếm hơn 45%). Trên địa bàn huyện Đắk Glong chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nguồn thu ngân sách thấp, không ổn định, việc cân đối nguồn lực của địa phương để thực hiện đối ứng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Huyện đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông quan tâm, hỗ trợ phần vốn đối ứng này.

Theo UBND huyện Đắk Glong, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 41.53 triệu đồng, gần đạt so với kế hoạch đề ra. Năm 2023, huyện cũng ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Điển hình là tỷ lệ hộ nghèo nghèo giảm 12%, cao gấp đôi so với kế hoạch, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số giảm 6%; tổng số vụ phá rừng, tổng diện tích rừng bị phá cũng giảm hơn 50% so với năm trước; các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, sử dụng điện lưới quốc gia, cấp nước cho cây trồng các loại, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn… đều đạt hoặc vượt so với kế hoạch đề ra./.

Minh Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm