Bộ mặt ngành y đang dần thay đổi từng ngày, căn bệnh “chữa bệnh ban ơn” vốn đã ăn sâu trong ngành bao lâu nay đã có “thuốc chữa”...
Nỗ lực cam kết, thực hiện
Cùng với những nỗ lực, giải pháp, đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2151 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đây là một quyết định ra đời kịp thời để chấn chỉnh những tồn tại của ngành y, tuy nhiên đây cũng là điều bắt buộc phải làm, vì theo Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sắp tới sẽ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, trong đó bao gồm cả thu nhập của cán bộ y tế, vì thế, nếu không thay đổi thái độ phục vụ, các bệnh viện sẽ phải “ngồi chơi”.
|
Để triển khai thực hiện, Bộ Y tế cũng đã xây dựng và ban hành bộ tài liệu “Hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế”, trong đó hướng dẫn cụ thể các quy tắc, tình huống ứng xử mẫu cho từng chức danh công việc của cán bộ y tế (bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ, dược tá, nhân viên hành chính, thu ngân, bảo vệ, tình nguyện viên…
Sau nửa năm triển khai, đến nay, các bệnh viện từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện đã lần lượt ký cam kết và thực hiện. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến tháng 12/2015 đã có 24/36 bệnh viện Trung ương đã ký cam kết với Bộ Y tế, 31/63 tỉnh đã hình thành Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch để triển khai đổi mới phong cách, thái độ cán bộ y tế. Nhiều BV đa khoa tỉnh đã triển khai ký kết ở các khoa. Các hoạt động đã được thực hiện quyết liệt trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế: Ngoài những bản cam kết trên giấy tờ, các bệnh viện cần nghiêm khắc về vấn đề thái độ ứng xử của nhân viên y tế, không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Đánh giá về hiệu quả triển khai, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, cho biết: Từ khi Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở y tế, cán bộ y tế phải ký cam kết thay đổi thái độ phục vụ, đã ghi nhận những hiệu quả rõ nét. Cụ thể, ngành đã kỷ luật hơn 2.000 cán bộ vi phạm đạo đức từ cảnh cáo đến buộc thôi việc. Các cuộc phản ánh trên đường dây nóng đã giảm, đặc biệt, nội dung các cuộc gọi phàn nàn về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế cũng giảm nhiều, lời khen đã nhiều hơn tiếng chê.
Những đổi mới của ngành y đã bước đầu được xã hội đón nhận, động viên, khích lệ và cũng góp ý nhiều ý tưởng để thực hiện. Tuy chưa hoàn toàn được như trong cam kết là niềm nở chào hỏi và xin lỗi, xin cảm ơn nhưng theo ý kiến của nhiều bệnh nhân họ cũng đỡ bị quát tháo hơn khi tới khám bệnh tại các cơ sở y tế. Đặc biệt nhờ kết quả của đề án giảm tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã được nâng cấp cả về trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhờ đó, các bệnh viện tuyến trên đỡ quá tải cũng là những thay đổi tích cực để phục vụ người bệnh tốt hơn, làm hài lòng “khách hàng” của bệnh viện.
Cũng theo ông Tác, quá trình thực hiện đổi mới thái độ, phong cách phục vụ cũng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của cán bộ y tế và thay đổi cả thái độ của người bệnh. Việc thay đổi nhận thức của cán bộ y tế từ "ban ơn" trước đây sang phục vụ theo cơ chế dịch vụ, tôn trọng bệnh nhân không phải một sớm một chiều là làm được và cũng gây ra những áp lực nhất định với cán bộ y tế. Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải thay đổi nhận thức vì họ là khách hàng có quyền yêu cầu cán bộ y tế một cách hợp lý để nhận được sự chăm sóc, điều trị tốt nhất.
Hiện nay, không ít người dân khi đi khám chữa bệnh cũng vẫn mang nặng tâm lý hay suy nghĩ phải có "phong bì" thì mới được chăm sóc tốt. Việc ký cam kết cũng sẽ là áp lực nhưng cũng là động lực để cho mỗi giám đốc bệnh viện, trưởng khoa phòng và bản thân mỗi cán bộ y tế phải sáng tạo, thay đổi tư duy hướng tới sự hài lòng của người bệnh nhiều hơn, đặc biệt khi tới đây sẽ đưa cả tiền lương của cán bộ y tế vào viện phí.
Kết hợp nhiều giải pháp
“Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là một trong những đột phá của ngành y tế sau khi ngành triển khai một loạt các chính sách đồng bộ về đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua Đề án giảm tải bệnh viện, Đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cao cho bệnh viện tuyến dưới… Để hướng tới mục tiêu 100% các bệnh viện ký cam kết và thực hiện, ngành y tế cần có thời gian và sự nỗ lực, quyết tâm và cần phối hợp nhiều giải pháp để đổi mới thực sự.
Thời gian tới Bộ Y tế tăng cường đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện tuyến trên cho các bệnh viện tuyến dưới, đầu tư cơ sở trang thiết bị phục vụ cho việc chuyển giao kỹ thuật… sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các tuyến, giúp người dân có thể yên tâm chữa bệnh ở tuyến dưới mà không phải chen chúc xếp hàng ở tuyến trên. Cùng với những cam kết phải thực hiện, khi bệnh viện giảm tải sẽ đỡ áp lực cho cán bộ y tế và cả người bệnh, là điều kiện để bệnh viện làm hài lòng người bệnh.
Việc rà soát lại và tăng cường thực hiện chỉ thị 09/CT-BYT về việc tiếp thu và xử lý các ý kiến thông qua đường dây nóng cũng là biện pháp hiệu quả để người dân tham gia giám sát các bệnh viện, nhân viên y tế thực hiện những điều đã cam kết. Vừa qua, Bộ Y tế đã thanh tra đột xuất và phát hiện có tới hơn 300 đường dây nóng không hoạt động, lập tức Bộ trưởng Bộ Y tế đã vào cuộc chấn chỉnh hiện tượng này.
“Để phát huy hiệu quả của đường dây nóng, từ năm 2016, toàn ngành sẽ chỉ sử dụng duy nhất một số điện thoại đường dây nóng trên toàn quốc là 1900-9095. Các cuộc gọi đến số này sẽ được tổng đài chuyển cho nơi, người có chức năng cũng như địa bàn gần nhất giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Từ đó, có thể “truy” bất kỳ cuộc gọi nào để làm rõ từng vụ việc, vấn đề nếu cần thiết”, TS Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ đạo, tới đây sẽ đưa các nội dung đổi mới phong cách, thái độ cán bộ y tế vào để đổi mới ngay trong các nhà trường y, dược. Như vậy, mỗi cán bộ y tế từ khi học trong các trường ĐH, CĐ, trung cấp y dược đều đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp của mình, trong đó đặc biệt quan tâm đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh. Bởi khi họ tốt nghiệp ra trường, làm việc tại một cơ sở y tế nào đó, họ vẫn cần phải tiếp tục học hỏi, tiếp thu ý kiến góp ý từ người dân, đồng nghiệp và trao đổi kiến thức chuyên môn mới có thể phát triển tốt. Từ đó, xây dựng phong cách, thái độ của mỗi cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh sẽ gắn bó suốt đời với mỗi cán bộ y tế.
Cũng theo Bộ trưởng Tiến, bên cạnh việc triển khai thực hiện đổi mới thái độ phục vụ, thời gian tới, các bệnh viện sẽ tiến tới mô hình bệnh viện xanh - sạch - đẹp, thành lập trung tâm dịch vụ khách hàng để quyết liệt cải thiện chất lượng, thái độ ứng xử của nhân viên y tế.
Báo Tin Tức