Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, đây là đề án mang tính liên kết vùng, có ý nghĩa quan trọng nhằm giải quyết việc chống lũ, xâm nhập mặn và gắn với phát triển hệ thống giao thông, phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, đề án cũng có ý nghĩa to lớn về mặt an ninh quốc phòng. Đây cũng là đề án chuyển tiếp nhằm thực hiện dự án giai đoạn 2 cho vùng Tứ giác Long Xuyên.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN. |
Trước mắt, Chính phủ đã giao cho Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang để xây dựng đề án và báo cáo trình các bộ, ngành Chính phủ vào ngày 10/3.
Vùng Tứ giác Long Xuyên được giới hạn bởi kênh Vĩnh Tế, sông Hậu, Quốc lộ 80 và kênh Rạch Giá-Hà Tiên nằm trên địa phận của 3 địa phương trên với tổng diện tích tự nhiên gần 490.000 ha; trong đó, tỉnh An Giang chiếm hơn 239.000 ha, tỉnh Kiên Giang hơn 234.000 ha và thành phố Cần Thơ hơn 15.000 ha. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp vùng Tứ Giác Long Xuyên khoảng 350.000 ha, chiếm khoảng 1/4 diện tích toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là vùng sản xuất lúa chuyên canh, có năng suất cao với 3 vụ lúa/năm. Vùng Tứ giác Long Xuyên là vùng sản xuất tập trung các loại hoa màu, nuôi thủy sản và phát triển các dịch vụ du lịch. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là lĩnh vực thủy lợi phục vụ chống lũ, ngăn mặn, cung cấp nguồn nước ngọt để tưới tiêu thuận lợi, nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, phát triển giao thông gắn với việc bố trí dân cư, để phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho người dân là hết sức quan trọng và cần thiết.
Trước đây, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ công tác xổ phèn, ngăn mặn, chống lũ và xả lũ ra biển Tây trong vùng Tứ Giác Long Xuyên đã được triển khai và phát huy hiệu quả lớn trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, qua thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp và không còn phù hợp trong điều kiện nguồn nước đầu nguồn ngày càng thấp, lũ ngày càng ít trong khi hạn, mặn ngày càng diễn ra gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng nên rất cần được đầu tư nâng cấp.
Theo báo cáo đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh An Giang, để thực hiện đề án này, địa phương cần đầu tư các hạng mục công trình thủy lợi với tổng nguồn vốn trên 3.600 tỷ đồng./.