Hướng dẫn học viên thực hành nghề may tại Trường Trung cấp nghề Thạch Thành. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Thạch Thành là huyện miền núi nghèo, trước đây lao động nông thôn ở huyện hầu như chưa được đào tạo nghề, sản xuất bằng kinh nghiệm nên chất lượng, năng suất lao động thấp, lợi nhuận chưa cao. Trước thực tế đó huyện Thạch Thành đã tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc cho người lao động, đặc biệt là người dân sống ở các xã thuộc vùng khó khăn.
Huyện cũng đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong các trường trung học phổ thông, tổ chức các chương trình hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, tư vấn về các ngành nghề đào tạo cũng như những chính sách ưu đãi về học nghề để học sinh, sinh viên lựa chọn. Bên cạnh đó, UBND huyện Thạch Thành giao Trường Trung cấp nghề Thạch Thành đào tạo các nhóm nghề thích ứng với sự phát triển kinh tế, xã hội như nghề may công nghiệp, cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi.
Tại Trường Trung cấp nghề Thạch Thành, trước khi mở lớp, trường phối hợp với UBND các xã, thị trấn lập cam kết hỗ trợ vay vốn, cung ứng vật liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm để người lao động học xong có việc làm và duy trì được nghề. Trường đang đào tạo 26 ngành nghề từ trung cấp đến sơ cấp, 100% người lao động ra trường đều có việc làm ổn định.
Anh Nguyễn Văn Hợp- một học viên của lớp nghề thú y xã Thành Mỹ, Trường Trung cấp nghề huyện Thạch Thành cho biết, anh tham gia vào lớp trung cấp thú y vì nó phụ thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương và gia đình. Hiện anh đã học lý thuyết được 2 tháng, sau đó anh sẽ học tiếp phần thực hành để nắm vững kiến thức về công tác phòng chống các dịch bệnh ở vật nuôi nhằm chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thạch Thành chia sẻ, trong 5 năm qua, nhà trường đào tạo được 4.198 lao động; trong đó, các lao động ngành nông nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu. Sau các khóa đào tạo, người lao động có kiến thức để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Có những học viên sau khi học nghề đã sản xuất hiệu quả, có thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm. Đối với các nghề phi nông nghiệp chủ yếu là nghề may, may công nghiệp, sửa thiết bị máy, các lao động sau khi đào tạo được các doanh nghiệp nhận vào làm với lương gần 4 triệu/tháng.
Ngoài công tác dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, sinh viên, huyện Thạch Thành đã liên kết với công ty S&H Vina (Hàn Quốc) có trụ sở tại huyện nhằm giải quyết việc làm cho các học viên. Hiện tổng số công nhân Công ty S&H Vina là 6.300 người, chủ yếu là lao động sống tại huyện Thạch Thành. Hàng hóa do công ty sản xuất ra được xuất khẩu sang Mỹ. Ông Kim Yong Sun, Giám đốc xưởng, Công ty S&H Vina cho biết: Lao động ở Thạch Thành có năng lực tốt . Nhiều lao động trước khi vào công ty đã được huyện Thạch Thành đào tạo nghề nên khi làm việc, tay nghề rất giỏi.
Thực hành tin học tại Trường Trung cấp nghề Thạch Thành. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Chị Lê Thị Thu, công nhân công ty S&H Vina nằm trên địa bàn huyện Thạch Thành cho biết, trước khi vào làm trong công ty, chị đã học nghề may tại Trường Trung cấp nghề Thạch Thành. Hiện mức thu nhập của chị là 4,5 triệu đồng/tháng.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Bùi Minh Thông, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các trường, cơ sở dạy nghề đào tạo theo năng lực và nhu cầu học nghề của lao động, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tất cả người lao động nông thôn, người có nhu cầu làm việc trên địa bàn huyện đều được học nghề.
Đặc biệt, huyện sẽ đào tạo nghề phi nông nghiệp, tạo các hội cho các lao động làm việc tại các doanh nghiệp, phấn đấu dạy nghề cho 4.000 lao động nông thôn thuộc các ngành nghề kỹ thuật nuôi ong, nuôi trồng thủy sản, trồng mía, trồng rau an toàn. Đối với các nghề phi nông nghiệp, huyện đặt mục tiêu đào tạo 3.229 người, chủ yếu đào tạo ở các nghề may công nghiệp, sửa chữa máy, cơ khí, hàn, thủ công mỹ nghệ.
Nguyễn Nam