Ngày 18/8, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức "Hội nghị tuyên truyền công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia năm 2022". Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về công tác biên giới trên đất liền chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm tuyên truyền, cung cấp, cập nhật những thông tin liên quan công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia; giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng trực tiếp quản lý, thực thi công tác biên giới hiểu rõ hơn về thành quả đã đạt được và những công việc cần thực hiện trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, hơn 300 đại biểu đại diện cho lực lượng chức năng và nhân dân địa phương trên tuyến biên giới Bình Phước đã nghe, trao đổi nhiều nội dung chuyên đề như: Công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia trong giai đoạn hiện nay và những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới; tình hình trao đổi thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, phương hướng, giải pháp phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh mới; công tác quản lý, bảo vệ xây dựng biên giới tuyến Việt Nam - Campuchia, những bài học kinh nghiệm và yêu cầu đặt ra đối với chính quyền nhân dân tỉnh Bình Phước trước tình hình mới.
Nội dung các báo cáo chuyên đề tại hội nghị nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững giữa hai nước luôn được lãnh đạo cấp cao, nhân dân hai nước coi trọng, quyết tâm theo đuổi thực hiện.
Triển khai các nhiệm vụ chiến lược đó, hai bên đã tiến hành phân giới, cắm mốc được khoảng 84% đường biên giới trên đất liền và hoàn tất trao đổi Văn kiện phê chuẩn hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả nêu trên giữa hai nước từ ngày 22/12/2020; đồng thời, cùng nhau nỗ lực phấn đấu hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc phần còn lại của đường biên giới.
Sau hơn 2 năm đấu tranh phòng, chống COVID-19, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại. Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu, trao đổi, thông thương quốc tế, nhất là trên các tuyến biên giới đất liền, đang được thực hiện nhộn nhịp, sôi động. Đặc biệt, năm 2022, Việt Nam và các nước láng giềng (Campuchia và Lào) đã và đang tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam; Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, công tác phân giới cắm mốc, quản lý biên giới, những kết quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, giữa các địa phương hai bên biên giới, sẽ góp phần quan trọng trong thành công của Năm Hữu nghị, củng cố hơn nữa tình cảm đoàn kết, gắn bó, hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình ghi nhận những đóng góp của các lực lượng làm nhiệm vụ, đặc biệt là nhân dân trên tuyến biên giới đã vượt qua nhiều khó khăn, bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, tham gia các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định cùng phát triển.
Ông Lê Hải Bình mong muốn thời gian tới, các lực lượng làm nhiệm vụ và nhân dân trên tuyến biên giới khắc phục khó khăn, bám đất, bám đường biên, tăng gia sản xuất, tuyên truyền để nhân dân cùng chung tay xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Hội nghị thống nhất tiếp tục quán triệt sâu sắc, đưa tinh thần, đường lối đối ngoại của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn kiện, văn bản pháp lý, những thỏa thuận song phương có liên quan đến công tác quản lý biên giới vào cuộc sống; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý biên giới đối với 84 % tuyến biên giới trên thực tế đã hoàn thành phân giới cắm mốc; tập trung nắm vững những nội dung quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Campuchia, tình hình công tác quản lý tuyến biên giới, tình hình an ninh và quan hệ hợp tác, trao đổi thương mại, phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến biên giới trên đất liền hai nước; xác định những yêu cầu mới đặt ra đối với chính quyền và nhân dân ở cấp cơ sở. Từ đó, có các giải pháp triển khai hiệu quả công tác quản lý biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, nhất là khu vực biên giới với Campuchia trên địa bàn tỉnh Bình Phước hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Tỉnh Bình Phước có đường biên chung với Campuchia dài nhất cả nước, với hơn 260 km. Phần lớn khu vực đường biên giới này là những địa bàn khó khăn, phức tạp, chủ yếu là sông, suối.
Sỹ Tuyên - K GửiH