Đầu tư xây mới, sửa chữa phòng học ở vùng sâu, vùng xa cho năm học mới 2019-2020

Đầu tư xây mới, sửa chữa phòng học ở vùng sâu, vùng xa cho năm học mới 2019-2020
Học sinh trường Trung học cơ sở Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Ảnh: Quang Cường – TTXVN
Học sinh trường Trung học cơ sở Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Tuyên Quang

Ngày 5/9, cùng với cả nước, hơn 214 nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tới trường dự Lễ Khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Năm học này, từ các nguồn vốn, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng mới và sửa chữa hơn 1.000 phòng học phục vụ năm học mới, trong đó có nhiều phòng học ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ năm học gắn với thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ngành tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, thực hiện mô hình trường phổ thông gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở địa phương; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng… Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường thu hút hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong giáo dục và đào tạo trên địa bàn...

Tuyên Quang hiện có 194/479 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học, trong đó: Mầm non 46/150 trường, đạt 30,7%; tiểu học 70/143 trường, đạt 48,9%; Trung học cơ sở 75/156 trường, đạt 48,1%; Trung học Phổ thông 3/30 trường, đạt 10%.

Quảng Ninh

Sáng 5/9, hơn 310 nghìn học sinh các cấp của tỉnh Quảng Ninh dự Lễ Khai giảng năm học mới 2019-2020. Để chuẩn bị năm học này, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư 900 tỷ đồng xây mới trên 1.000 phòng học, cải tạo sửa chữa gần 1.500 phòng học, phòng học thông minh, phòng chức năng và các hạng mục đầu tư khác.

Ngoài ra, Quảng Ninh  còn đầu tư 272 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học ở các cấp. Nhờ vậy, toàn tỉnh có 534/637 trường học từ cấp Mầm non đến Trung học Phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 83,83%.

Năm học này, mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển, tăng tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu; môi trường giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non được cải thiện theo hướng tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm, sáng tạo, phù hợp với lứa tuổi. Mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, từng bước được rà soát, sắp xếp hợp lý, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, vùng miền. Chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn ở phổ thông tiếp tục được nâng lên…

Trong năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh tập trung nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục; thường xuyên rà soát, đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, trang sắm thiết bị dạy và học; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào các cơ sở giáo dục...

Trà Vinh

Ngày 5/9, tại Lễ Khai giảng năm học 2019-2020, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) phối hợp với Tập đoàn Trung Nam khánh thành và bàn giao dãy phòng học cho Trường Tiểu học Tân Hùng A, ấp Nhứt, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần. Công trình có tổng kinh phí gần 5,7 tỷ đồng, do Tập đoàn Trung Nam tài trợ, gồm 10 phòng học, 5 trệt 5 lầu, với diện tích sử dụng 805m2; phòng học được đầu tư xây dựng với trang thiết bị và hệ thống đèn chiếu sáng bàn học đúng quy cách.

Dịp này, ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh (Tập đoàn Trung Nam) trao hơn 600 phần quà, 10 suất học bổng trị giá 30 triệu đồng và  10 xe đạp tặng học sinh của Trường Tiểu học Tân Hùng A có hoàn cảnh khó khăn.

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 207.000 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc Khmer chiếm hơn 33%. Các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc sử dụng nguồn vốn được giao và các nguồn lồng ghép khác để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Nhờ vậy, số phòng học trong tỉnh được kiên cố hóa hiện là 6.506/7.593 phòng, chiếm gần 86%; trong đó, tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, 100% trường học được  kiên cố hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 123 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 27,15%.

Lâm Đồng

Ngày 5/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa cho biết vừa phê duyệt dự án đầu tư nghề trọng điểm đến năm 2020 của trường Cao đẳng kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng với tổng kinh phí 64,1 tỷ đồng.

Theo đó, Dự án do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng làm chủ đầu tư với 5 ngành, nghề trọng điểm gồm ba ngành, nghề cấp độ quốc tế là Công nghệ sinh học, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành; một nghề cấp độ Asean là Điện công nghiệp; một nghề cấp độ quốc gia là Công nghệ thông tin.

Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng nhà xưởng để bảo quản, khai thác, sử dụng thiết bị dạy nghề, tạo lập môi trường thực hành nghề tiên tiến, hiện đại, tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chương trình đào tạo từ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề trên cơ sở yêu cầu của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động; đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo về chất lượng.

Thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm học 2019 – 2020 này với các nội dung như mua sắm thiết bị đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý; xây dựng chương trình, giáo trình; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học; cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình nhà xưởng thực hành...
 
TTXVN
TTXVN

Có thể bạn quan tâm