Dắt làng bước qua lời nguyền...

Dắt làng bước qua lời nguyền...
Di dời “làng ma”

Vài năm về trước, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện thuộc diện khó khăn nhất nước. Hơn 500 học sinh người Jrai nơi đây phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy mỗi khi đến trường vì phòng học xập xệ, bàn ghế xiêu vẹo. Thương thầy-cô giáo và các em học sinh, gia đình ông Ama Thiệu (tên thật là Rah Lan Dyel, 60 tuổi, trú ở Plei Trang) đã hiến tặng gần 2.000 m2 đất mặt tiền quốc lộ 25 để nhà trường dựng thêm 2 phòng học tạm và làm sân chơi.
 
Trưởng thôn Ama Thiệu trước ngôi nhà sàn của mình
Trưởng thôn Ama Thiệu trước ngôi nhà sàn của mình

Thế nhưng các em vẫn phải ngồi học giữa khu nhà mồ bao vây xung quanh như một “làng ma” vừa mất vệ sinh môi trường lại không hợp cảnh quan sư phạm. “Phải di dời khu nhà mồ đi nơi khác thôi”-đề xuất của Trưởng thôn Ama Thiệu được lãnh đạo huyện, xã đồng tình và tiến hành quy hoạch khu nghĩa địa mới cách 3 cây số về phía Tây Nam xã.

Đã có nhiều cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện, xã, các ngành chức năng với dân làng nhưng không có kết quả. Cái đầu bảo thủ của những người già thì một mực không nghe, đám thanh niên trai trẻ cũng hùa theo.

Nhớ lại những ngày này, cả nhà Trưởng thôn Ama Thiệu như ngồi trên đống lửa. Vợ con ông đi làm ruộng rẫy hễ gặp người làng thì họ lánh đi đường khác. Nhiều bữa người ta đi qua cứ chĩa mồm vào nhà ông mà chửi. Thậm chí có kẻ đang đêm còn ném cả con dao rựa dài lên mái tôn…

Trước tình thế đó, Ama Thiệu vẫn kiên định lập trường. Ông động viên vợ con cứ bình tĩnh chịu đựng, vì ông biết việc mình làm là đúng. Chính quyền và các ban ngành, đoàn thể tích cực vận động. Dư luận trong làng dần lắng xuống.

Lúc này, Ama Thiệu liền đập một con heo to, mời cả làng đến ăn. Khi cơm rượu đã no nê, ông đứng dậy tuyên bố trước dân làng là mình sẽ làm gương tự di dời mồ mả của cha mẹ đang chôn trong sân trường trước tiên. Nếu thần linh phạt tội dân làng thì một mình gia đình ông gánh chịu hết, tất cả nhà cửa, ruộng vườn của ông sẽ tùy dân làng xử trí. Còn nếu sau một năm mà trong làng không ai việc gì thì dân làng phải nghe theo lời ông để di dời khu nhà mồ. Bản cam kết được viết ra giấy thành hai bản để Ama Thiệu và đại diện dân làng ký vào.

Tháng 9-2011, Ama Thiệu cúng nhà mả và di dời mồ mả cha mẹ mình ra nghĩa địa của xã để chôn cất. Nhiều người làng đứng từ xa ngó lại, nhưng tuyệt không ai giúp đỡ hay đụng tay đụng chân gì.

Thế rồi vụ Đông Xuân năm đó, rồi cả vụ mùa năm sau gặp mưa thuận gió hòa, ruộng đồng bội thu. Khi những bao lúa cuối cùng được cất dưới gầm nhà sàn, Ama Thiệu đập một con heo mở tiệc mừng lúa mới, mời tất thảy dân làng đến dự. Ông đưa tờ giấy cam kết một năm về trước ra để dân làng làm chứng. “Người Jrai vốn trọng chữ tín, một lời nói ra như bát nước đổ đi, không lấy lại được đâu”-già làng Siu Klun đứng lên đích thân xé đôi tờ giấy cam kết và trịnh trọng tuyên bố trước dân làng sẽ tự di dời khu nhà mả của nhà mình đầu tiên.     

Để di dời khu nhà mồ thì làng phải mổ một con trâu to để cúng bỏ mả theo phong tục. Cái này có vẻ khó vì đa số dân làng ai cũng nghèo. Trước tình thế đó, UBND huyện Phú Thiện đã vào cuộc hỗ trợ gần 100 triệu đồng để dân làng mổ trâu làm lễ bỏ mả và thuê xe máy di dời khu nhà mồ, san ủi mặt bằng cho sân trường. Chỉ trong 3 ngày (từ 20 đến 22-12-2012), toàn bộ hơn 100 hài cốt thuộc 22 hầm mộ trong cái “làng ma” bao vây Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã được di dời về nghĩa trang của xã trong sự đồng thuận cao của dân các làng.

Cuối năm 2012, ngôi trường này đã nhận được những tình cảm sẻ chia của cộng đồng thông qua Quỹ Khuyến học “Đèn Đom Đóm”. Cùng với sự chung sức của chính quyền huyện Phú Thiện, trên cái nền “làng ma” ấy, một ngôi trường mới khang trang hai tầng có 8 phòng học đạt chuẩn quốc gia với đầy đủ các trang-thiết bị dạy học… đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng.

Xua tan tà đạo

Đang yên đang lành thì cuối năm 2010 cơn gió độc tà đạo Pơ Khắp Brâu quét qua nhiều xã trong vùng làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm người dân. Chuyện khởi sự do Siu Pem (còn gọi là Ama Nho, từng tự xưng là Chấp sự trưởng của “Tin lành Đê-ga”, sinh năm 1970, trú buôn Sô Ma Hang A, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) thành lập đạo Pơ Khắp Brâu (Tình yêu mới). Siu Pem tự xưng Ama Nét (Cha nhỏ) cùng một số đối tượng cốt cán như: Ksor Jơh, Siu Tak, Rmah Hội… tuyên truyền lôi kéo, lừa bịp những người đã từng theo “Tin lành Đê-ga” gia nhập vào đạo Pơ Khắp Brâu để sinh hoạt lễ nghi tôn giáo trái phép.

Trước tình hình đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, đấu tranh bóc gỡ. Ông A Ma Thiệu lại một lần nữa tham gia cùng chính quyền vận động người làng tránh xa tà đạo. Ông chỉ ra cho người làng thấy những cái sai trái, đi ngược lại với đạo lý và tinh thần của người Jrai mà Siu Pem và đồng bọn đang lừa phỉnh dân làng.

Tháng 5-2015, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền và các ngành chức năng cùng đông đảo người dân, Chi hội Tin lành Việt Nam miền Nam buôn Sô Ma Hang tổ chức buổi lễ tiếp nhận anh em quay về. Siu Pem đã đứng lên tự kiểm điểm trước dân làng và thừa nhận việc làm sai trái của mình khi thành lập tà đạo Pơ Khắp Brâu.

Ngồi thảnh thơi trước hiên nhà sàn nhìn ra mảnh ruộng vừa gặt xong, Trưởng thôn Ama Thiệu rít một hơi tẩu thuốc sảng khoái nói: “Pơ Khắp Brâu như làn gió độc khiến con người ta mê muội trong buổi đầu bắt gặp, nhưng khi nhận ra được những tác hại của nó, người dân sẵn sàng từ bỏ để trở về với cuộc sống thường ngày. Cũng như dân làng đã làm việc đúng là tự nguyện di dời khu “làng ma” đã bao vây trường học để trả lại môi trường trong lành cho các cháu nhỏ vui chơi, học hành”.
 
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm