Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhất quyết phải đi theo lộ trình tự chủ một cách toàn diện, cả về tài chính, nhân sự và chương trình đào tạo. Chỉ khi thực thi cơ chế tự chủ thì các trường mới có động lực và bắt buộc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên để thu hút người học. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp phải được thực hiện một cách chặt chẽ và thực chất; khuyến khích xây dựng xưởng sản xuất ngay trong nhà trường và lớp học ngay tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người học thực hành trên máy móc, dây chuyền sản xuất thực tế.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Vy – TTXVN |
Trước ý kiến của các đại biểu cho rằng, nhiều cơ sở dạy nghề gặp khó trong việc tuyển đủ chỉ tiêu, duy trì hoạt động vì quá nhiều sinh viên học nghề xong thất nghiệp, trong khi đó muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì nhà trường phải có thời gian và nguồn lực tài chính đủ mạnh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Người học nghề khó xin được việc không phải vì xã hội không có nhu cầu mà vì chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Trước khi thay đổi tư duy chọn trường của người học thì bản thân các cơ sở dạy nghề phải chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo học viên sau khi học nghề có thể làm được việc ngay. Các cơ sở dạy nghề cần xác định tự chủ tài chính là con đường tất yếu, không chỉ có giáo dục nghề nghiệp mà trước đó đã áp dụng với đào tạo đại học. Các cơ sở giáo dục không tự nâng cao chất lượng, thu hút được người học thì tất yếu phải sáp nhập hoặc tự ngưng hoạt động.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Phương Vy – TTXVN |
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trường Trường cao đẳng Kỹ nghệ II - Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta sản xuất hàng hóa chủ yếu để xuất khẩu thì nguồn nhân lực phục vụ sản xuất cũng phải có tay nghề tương xứng. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng chuẩn chất lượng đào tạo nghề từ cấp quốc gia, khu vực và hướng đến chuẩn chung của quốc tế; mở rộng việc triển khai các chương trình đào tạo quốc tế và đã đến lúc cần thành lập các cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo nghề độc lập.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Vy – TTXVN |
Xung quanh những lo lắng về cơ chế, chính sách của đại diện các trường vừa được chuyển giao quản lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việc chuyển giao về mặt quản lý Nhà nước nhằm tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động ổn định và thuận lợi hơn chứ không gây ra bất cứ một xáo trộn hay khó khăn nào. Trong và sau quá trình chuyển giao, các cơ chế chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện sẽ được giữ nguyên. Sau khi việc chuyển giao hoàn tất, nếu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát hiện bất cập, tồn tại thì sẽ điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho các trường./.