Bà con nhân dân bản Ma Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ đang tập trung làm đất để trồng dược liệu. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN |
Tuy nhiên, tại địa phương, việc phát triển cây dược liệu còn manh mún chưa xứng với tiềm năng, thiếu đơn vị bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra. Nhằm đánh thức tiềm năng dược liệu, Sìn Hồ đang trải “thảm đỏ” và đồng hành cùng các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ. Theo kết quả khảo sát về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trồng khảo nghiệm của một số công ty dược liệu, công trình nghiên cứu khoa học tại Sìn Hồ cho thấy, cao nguyên Sìn Hồ rất phù hợp để phát triển vùng dược liệu. Kết quả trồng khảo nghiệm dược liệu khi được trồng trên cao nguyên Sìn Hồ có dược tính cao hơn so với các địa phương trên toàn quốc. Hiện trên địa bàn huyện một số loại dược liệu như: đương quy, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp lục nhất chi hoa vẫn được trồng rải rác tại các xã Làng Mô, Tủa Sín Chải, Tả Ngảo, Sà Dề Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Phìn... Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ hoặc được các tiểu thương thu mua vận chuyển tới nơi khác tiêu dùng. Cây dược liệu Sìn Hồ tuy là loại cây trồng có giá trị về y dược và kinh tế cao nhưng vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. Trước đây, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, dược liệu Sìn Hồ từng có thời kỳ hoàng kim, ngày ấy trên địa bàn huyện đã từng có nông trường dược liệu. Sản phẩm của nông trường được cung ứng cho các công ty dược trong cả nước. Bà Nguyễn Thị Lý (khu 5, thị trấn Sìn Hồ) cho biết, ngày ấy nông trường chia làm 2 đội sản xuất, mỗi đội gần 200 người. Hoạt động chủ yếu trồng đương quy, đỗ trọng, hoàng khung, sâm cát cánh, bạch truật, sản phẩm được các công ty dược bao tiêu. Vì thế đời sống của cán bộ, công nhân viên của nông trường dù không khấm khá, nhưng vẫn đảm bảo sống được với nghề.“Tuy nhiên, tất cả đã lùi vào dĩ vãng, nông trường giải thể, tiềm năng về dược liệu của Sìn Hồ lại bỏ ngỏ”, bà Lý bùi ngùi chia sẻ.
Lãnh đạo huyện Sìn Hồ đang hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây dược liệu. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN |
Không để lãng phí tiềm năng phát triển cây dược liệu, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, những năm gần đây, Sìn Hồ đã đầu tư trồng hơn 20ha cây đương quy; trong đó, tập trung tại các xã Phăng Xô Lin, Tả Phìn, Sà Dề Phìn và Tả Ngảo. Đương quy đã khẳng định hiệu quả kinh tế so với trồng lúa, ngô và các cây hoa màu khác trên cùng một diện tích canh tác. Anh Mùa A Dì, bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn chia sẻ: Gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi 600m2 ruộng 1 vụ và cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng đương quy. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình anh thu gần 200 triệu, hiệu quả kinh tế gấp 6 lần trồng lúa, ngô và hoa màu khác. Nhờ tiền trồng đương quy, không chỉ gia đình anh Dì mà nhiều bà con trong bản đã thoát nghèo nhờ trồng cây đương quy. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu đem lại, một số hộ mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn. Đưa chúng tôi thăm quan mô hình trồng đương quy, sâm cát cánh của gia đình mình, anh Hoàng Ngọc Trung, bản Ma Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn phấn khởi, trước đây, gia đình anh cũng trồng với diện tích nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ của địa phương. Tiếng lành đồn xa, vừa qua anh đã được Công ty Nam dược tỉnh Hải Dương ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Dược liệu đã có nơi tiêu thụ, anh Trung mở rộng mô hình của gia đình lên hơn 2ha gồm đương quy, sâm cát cánh, mã tiền và thất diệp lục... “Với giá trị kinh tế mà cây dược liệu mang lại, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị, hệ thống nước…, để mở rộng diện tích trồng, giúp gia đình có thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương”, anh Hoàng Ngọc Trung chia sẻ thêm. Diện tích dược liệu được mở rộng sau mỗi năm cho thấy việc chuyển dịch mục đích sử dụng đất ở Sìn Hồ đang đi đúng hướng, vùng dược liệu thoát cảnh “đìu hiu chợ chiều”. Trong những năm gần đây, người đam mê với ngành trồng dược liệu đã khảo nghiệm, di thực nhiều giống dược liệu quý, một số loài thảo dược giàu dược tính đã được phục tráng thành công.
Gia đình anh Mùa A Dì ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ đang thu hoạch cây đương quy. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN |
Bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đến nay sản phẩm dược liệu được bà con trồng ra đã có một số đơn vị bao tiêu. Điều này tạo động lực mạnh mẽ để phát huy tiềm năng của vùng dược liệu, từ hiệu quả kinh tế của mình, dược liệu sẽ giúp nhiều hộ dân trên cao nguyên lạnh xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. “Mong rằng, trong thời gian tới, huyện và tỉnh sẽ có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển cây dược liệu theo chuỗi hàng hóa, giúp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng trồng dược liệu Sìn Hồ”, bà Trần Thị Thu Hiền bày tỏ. Ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ chia sẻ, không chỉ khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng diện tích trồng dược liệu, Sìn Hồ đang có chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trồng, chiết xuất, chế biến các loại thảo dược. Cùng với công ty dược Hải Dương (Hải Dương), công ty cổ phần dược liệu Dương Thư (Hà Nội) đã có nhiều nhà thuốc tới thu mua, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhằm đánh thức tiềm năng dược liệu, Sìn Hồ đang trải “thảm đỏ” và đồng hành cùng các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ. Vừa qua, trên địa bàn huyện mới ra mắt hợp tác xã Sâm – Tam thất Sìn Hồ. Ông Nguyễn Trần Văn, Giám đốc Hợp tác xã cho chúng tôi biết, từ khi Hợp tác xã đi vào hoạt động đã được huyện tạo điều kiện hướng dẫn các thủ tục pháp lý, mượn đất có thời hạn không tính thuế và nhiều điều kiện thuận lợi khác. Được tạo điều kiện, hợp tác xã thêm vững tin, tâm huyết, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, năng động tìm thị trường, đơn vị bao tiêu sản phẩm và tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Dược liệu Sìn Hồ đang có những khởi sắc đáng ghi nhận, sự vươn vai trỗi dậy mở ra hướng thoát nghèo mới cho người dân nơi đây. Xóa đói, giảm nghèo bền vững luôn là bài toán khó mà cấp ủy, chính quyền và người dân Sìn Hồ trăn trở. Tin rằng đánh thức tiềm năng, mở rộng vùng dược liệu không những giúp Sìn Hồ tận dụng được tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, mà còn sớm “chữa” được căn bệnh nghèo.
Công Tuyên