Được ví như “Sapa xứ Thanh”, với khí hậu quanh năm mát mẻ, bản Pảban thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù luông, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) hiện đang phát huy thế mạnh, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách khi muốn trải nghiệm hình thức du lịch cộng đồng.
Vượt qua những cung đường với cảnh trí thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, bản Pảban dần dần hiện diện với những nếp nhà sàn nằm nép mình yên bình trên những triền đồi xanh mướt. Con đường dẫn vào bản uốn lượn quanh co như một dải lụa mềm mại, một bên là vách núi, một bên là vực sâu thoai thoải với những thửa ruộng bậc thang được phủ bởi màu xanh của lúa đang thì con gái…Tất cả gợi cho du khách cảm giác bình yên đến lạ khi rời xa nhưng xô bồ, bụi bặm của phố thị.
Trong căn nhà sàn truyền thống của người Mường Pảban, anh Hoàng Xuân Hải - người đầu tiên đặt nền móng cho du lịch cộng đồng tại Pảban hồ hởi: Ở Pảban, người Mường chiếm tới 95%, còn lại là người dân tộc Thái và các dân tộc khác. Họ sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và vào rừng khai thác lâm sản nên kinh tế không mấy khá giả.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nơi đây, từ năm 2009, anh Hải đã có ý tưởng sẽ "lôi kéo" bà con cùng tham gia làm du lịch cộng đồng, từng bước “đánh thức” tiềm năng du lịch nơi đây, qua đó tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân tộc thiểu số. Sau 10 năm ấp ủ, lên kế hoạch, năm 2019 khi mọi thứ sẵn sàng, anh Hải bắt đầu cùng người dân trong bản đặt nền móng đầu tiên cho du lịch cộng đồng Pảban bằng công trình Nhà du lịch cộng đồng Palm House.
Khi công trình hoàn thiện, anh Hải chưa vội đón khách mà dành không gian để bà con sinh hoạt cộng đồng, rồi từng bước hướng dẫn bà con cách làm du lịch. Những ngày đầu cũng gặp không ít khó khăn, bởi bà con dân bản lâu nay chỉ quen cày, quen cuốc, nên khái niệm làm “du lịch cộng đồng” còn quá xa lạ. Tuy nhiên, thấy được những tiềm năng sẵn có và lợi ích mang lại từ phát triển du lịch, bà con rất phấn khởi, đồng sức, đồng lòng, chịu khó học hỏi. Chỉ chỉ sau một thời gian ngắn, bà con đã nắm được những kiến thức cơ bản để đón, phục vụ khách; biết, trình bày mâm cơm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chí ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Anh Ngân Xuân Bách, người Pảban cho biết: Giờ đây, khái niệm “du lịch cộng đồng” đã không còn xa lạ với người dân trong bản. Đến với Pảban, du khách sẽ được tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú. Du khách sẽ có những đêm đốt lửa trại, uống rượu cần, cùng giao lưu văn nghệ và thưởng thức các điệu múa của người Mường, người Thái; hòa mình vào các bài hát múa đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài ra, người bản địa sẽ làm hướng dẫn viên giới thiệu về vẻ đẹp hoang sơ cùng những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, người Thái Pảban; dẫn du khách đi thăm các bản lân cận khác trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nếu du khách có nhu cầu khám phá hệ sinh thái phong phú của núi rừng; tham quan vườn cam, quýt đặc sản của Thành Sơn; trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày với người dân bản địa…
Chị Kiều Thị Phiên, khách du lịch đến từ thành phố Thanh Hóa chia sẻ: Huyện Bá Thước vốn nổi tiếng với các khu du lịch sinh thái Pù Luông, Bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Báng, bản Kho Mường (xã Thành Sơn) và bản Đôn (xã Thành Lâm)… Đây là những địa danh tôi đã đi và có những trải nghiệm rất thú vị. Đợt này, được bạn bè giới thiệu, tôi đến bản Pảban cũng nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông để trải nghiệm du lịch cộng đồng. Mặc dù chưa được đầu tư nhiều, nhưng với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành, người dân thân thiện và vẫn giữ được những nếp nhà sàn cổ cùng những giá trị văn hóa dân tộc, tôi tin tưởng Pảban sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách thời gian tới khi đến với xứ Thanh”
Ông Lê Văn Sự, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước cho biết, trong Kế hoạch về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, huyện đặt mục tiêu trọng tâm phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng núi, tạo nên thương hiệu cho du lịch Bá Thước. Trong giai đoạn từ 2021 đến năm 2025, Bá Thước phấn đấu thu hút 310.000 lượt khách du lịch; trong đó, có 80% tổng lượng khách tham gia lưu trú du lịch cộng đồng. Hoạt động du lịch phấn đấu có doanh thu 465 tỷ đồng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng hơn 690 lao động địa phương.
Khiếu Tư