Vĩnh Phúc không chỉ nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh, mà còn là vùng đất có nhiều làng nghề được hình thành, phát triển từ lâu đời, lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống. Du lịch làng nghề tại Vĩnh Phúc vẫn đang là tiềm năng lớn cần được "đánh thức".
Thay đổi cách làm
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Nhiều địa phương có ngành nghề truyền thống lâu đời như: Làng gốm Hương Canh (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên), làng nghề mộc Thanh Lãng (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên), làng mộc Thủ Độ (xã An Tường, huyện Vĩnh Tường), làng nghề rèn Bàn Mạch (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường)… Sự phát triển của các làng nghề góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp tỉnh tiến tới phát triển du lịch làng nghề thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Mỗi cuối tuần, xưởng gốm của anh Nguyễn Hồng Quang ở làng gốm Hương Canh lại nhộn nhịp khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ một xưởng gốm nhỏ, chuyên sản xuất chum, sành, tiểu, vại..., để thay đổi, thích ứng với thị trường, anh Nguyễn Hồng Quang đã mở rộng xưởng, chuyển sang sản xuất gốm mỹ thuật.
Anh Nguyễn Hồng Quang cho biết, với mong muốn làng nghề không chỉ sản xuất ra sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời mang tính đặc trưng mà còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, anh đã chủ động phát triển dòng gốm nghệ thuật. Cùng với đó, anh mở cửa xưởng gốm, đón tiếp người dân và du khách đến trải nghiệm làm gốm để có thể giữ gìn văn hóa truyền thống, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh sản phẩm.
Em Phùng Thị Thúy Hằng, học sinh lớp 10Q, Trường Trung học phổ thông Trần Phú (thành phố Vĩnh Yên) chia sẻ, được trải nghiệm làm gốm, tự tay vuốt, nặn và tạo hình những chiếc bình hoa theo ý thích làm em thấy rất thú vị. Trải nghiệm này giúp em hiểu thêm về giá trị truyền thống của làng nghề gốm Hương Canh, tìm hiểu về cách các nghệ nhân bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.
Anh Quang trăn trở, hiện nay, làng gốm Hương Canh chỉ còn 4 gia đình tiếp tục theo nghề sản xuất theo quy mô vừa và nhỏ theo hộ gia đình, trong đó chỉ có duy nhất xưởng gốm của anh phát triển dòng gốm nghệ thuật. Do đó, việc tạo điểm đến cho khách du lịch thăm quan, thực hành và trải nghiệm hoạt động làm nghề truyền thống của địa phương còn hạn chế, phần lớn người đến tham gia trải nghiệm là học sinh trong tỉnh, khách đoàn lữ hành hầu như rất ít.
Tiềm năng cần "đánh thức"
Nỗ lực gìn giữ, phát triển các làng nghề truyền thống, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề phát triển. Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ hình thành 24 cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; hỗ trợ kinh phí phát triển các chương trình khuyến công, khuyến khích các làng nghề phát triển.
Tỉnh xác định gắn bảo tồn và phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch; xây dựng và hình thành các tuyến, điểm du lịch làng nghề; xây dựng các điểm trình diễn sản phẩm, giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề; đồng thời nghiên cứu bảo tồn các di tích lịch sử gắn với làng nghề hoặc có liên quan như đền thờ tổ nghề, các lễ hội truyền thống..., để tạo điểm đến cho khách du lịch thăm quan, thực hành, trải nghiệm hoạt động làm nghề truyền thống của địa phương.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch làng nghề tại địa phương, ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, các làng nghề ở Vĩnh Phúc hiện nay hầu hết mới chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ, sản xuất trong phạm vi gia đình, chưa mở rộng ra bên ngoài, chính vì vậy khách du lịch ít có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm các sản phẩm làng nghề. Cùng với đó, phần lớn các hộ sản xuất chỉ quan tâm đến thị trường tiêu dùng thuần túy, chưa đi sâu nghiên cứu, sáng tạo dòng sản phẩm quà tặng du lịch, chưa chú trọng xây dựng không gian trình diễn nghề và trưng bày sản phẩm phù hợp để thu hút du khách đến tham quan. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện nước, vệ sinh môi trường ở một số nơi gặp khó khăn. Mặt khác, việc kết nối giữa làng nghề truyền thống với các đơn vị du lịch lữ hành còn hạn chế, chưa xây dựng tour du lịch làng nghề. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng quy hoạch xây dựng các dự án làng nghề như: Làng nghề chăn nuôi rắn-du lịch-dịch vụ Vĩnh Sơn; Dự án xây dựng cụm làng nghề Thanh Lãng với diện tích 8,2 ha... Tuy nhiên, đến nay, những dự án này vẫn chưa thể xây dựng, các làng nghề truyền thống vẫn phát triển tự phát là chính.
Theo ông Đỗ Hoàng Dương, để đánh thức tiềm năng du lịch làng nghề tại Vĩnh Phúc, các làng nghề cần phải thay đổi tư duy sản xuất, cải tiến mẫu mã, tạo ra những sản phẩm phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần hỗ trợ bằng việc định hướng, quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho các làng nghề; cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành chủ động khai thác các làng nghề, đưa vào xây dựng lịch trình tour cho du khách, góp phần đưa các làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển ổn định, bền vững.
Nguyễn Thảo