Trong 3 ngày (từ ngày 3 - 5/6), Trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề và ẩm thực Bình Thuận. Tham dự có lãnh đạo ngành Du lịch tỉnh, đại diện các địa phương, chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch, công ty lữ hành và cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn.
Đoàn khảo sát đã đi tham quan, tìm hiểu một số làng nghề của địa phương như: làng nghề bánh tráng Phú Long, gốm Chăm Bình Đức, bánh tráng Chợ Lầu. Ngoài ra, đoàn còn đến các vùng sản xuất nông nghiệp, cơ sở nghề truyền thống như: làng trồng rau ở huyện Hàm Thuận Bắc; sản xuất nước mắm ở thành phố Phan Thiết… Các thành viên trong đoàn đều thích thú, ấn tượng khi được trực tiếp tìm hiểu và trải nghiệm, giao lưu với nghệ nhân và làm các sản phẩm.
Để định hình một sản phẩm du lịch “Food tour” (tour du lịch ẩm thực), đoàn khảo sát còn đến tìm hiểu cách chế biến và thưởng thức những món đặc trưng của một số vùng như: bánh hỏi Phú Long, lẩu thả Phan Thiết, vịt dầm Bắc Bình...
Theo bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình khảo sát lần này là một trong những hoạt động nằm trong Đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đánh giá lại thực trạng, tiềm năng của các làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực địa phương, ngành Du lịch sẽ xây dựng được một sản phẩm du lịch mới ấn tượng và chất lượng để giới thiệu tới du khách. Sản phẩm du lịch này không chỉ làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch giúp tăng tính trải nghiệm, thu hút du khách mà còn góp phần khơi thông, phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc vốn có của vùng đất Bình Thuận.
Bình Thuận được biết đến với các sản phẩm du lịch thế mạnh như: du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp thể thao, khám phá, chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa… Tỉnh đang hướng đến mục tiêu đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản và tạo sản phẩm du lịch chuyên đề gồm: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển - rừng - đồi cát, văn hóa ẩm thực… Đến năm 2030, địa phương tập trung đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: du lịch chăm sóc sức khỏe (WELLNESS), du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch nghiên cứu, tham quan thành phố Phan Thiết (City tour).
Nhờ tận dụng lợi thế về tự nhiên, đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến cũng như không ngừng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, lượng khách đến Bình Thuận ngày càng tăng. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, trong 5 tháng năm 2024, tỉnh đón hơn 3,7 triệu lượt khách du lịch (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, khách quốc tế đạt 198.000 lượt khách. Doanh thu du lịch đạt 9.739 tỷ đồng.
Hồng Hiếu