Dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ

Dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ
Đông đảo du khác thập phương về dự lễ hội và dâng hương tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Đông đảo du khác thập phương về dự lễ hội và dâng hương tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Mở đầu của phần lễ là phần rước kiệu, rước lễ vật từ đình Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ. Trước anh linh Tổ Mẫu, lãnh đạo huyện Hạ Hòa đọc diễn văn tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bách gia trăm họ bình an, ấm no, hạnh phúc, đất nước hùng cường, phát triển và thịnh trị...

Sau lễ dâng hương và dâng lễ vật là phần tế nữ quan, đây là nội dung được coi là phần chính của lễ. Đội tế nữ gồm 21 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn. Các cô đều mặc áo dài màu sắc rực rỡ, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng lụa, trong đó chủ tế mặc trang phục màu đỏ. Kết thúc phần lễ, người dân thập phương thắp hương tri ân Tổ Mẫu Âu Cơ.
 
Đội tế nữ thực hành các nghi thức tế Tổ Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Đội tế nữ thực hành các nghi thức tế Tổ Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Theo truyền thuyết, vào mùng 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, gặp gỡ và kết duyên với Lạc Long Quân, sinh ra bọc trăm trứng và nở thành một trăm người con trai, khởi nguồn của nòi giống Lạc Hồng. Sau khi nuôi các con khôn lớn, Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển, mẹ Âu Cơ đưa 49 người con lên núi mở mang bờ cõi, để lại người con trưởng ở đất Phong Châu nối ngôi vua lấy hiệu là Hùng Vương.

Âu Cơ đưa các con đến vùng Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, thấy phong cảnh hữu tình, đất đai tươi tốt bèn hạ trại khai hoang lập ấp, lập làng dựng xóm. Mẹ Âu Cơ đã dạy cho dân làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… Làng xóm từ đó ngày một trù phú, cư dân ngày thêm đông đúc. Thấy muôn dân đã thạo nghề cày cấy, một ngày kia mẹ Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời, vương lại một tấm lụa đào bên gốc đa giữa cánh đồng.
Đội tế nữ thực hành các nghi thức tế Tổ Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Đội tế nữ thực hành các nghi thức tế Tổ Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Dân làng lập đền thờ tại đó để thờ Mẹ, hằng năm mở hội vào mùng 7 tháng Giêng… Thời hậu Lê dưới triều vua Lê Thánh Tông (năm 1465) đã phong thần và cho xây dựng đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ quy mô như ngày nay. Năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã công nhận Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Đền Mẫu Âu Cơ đã được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức hằng năm nhằm tri ân công đức tổ tiên, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; duy trì và nâng cao giá trị truyền thống lễ hội trên địa bàn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của vùng Đất Tổ. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 10 - 11/2 (tức mùng 6 - 7 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho các hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, thành kính, nhưng không kém phần sôi động với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu Xuân, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Quản lý Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ, so với những năm trước, lượng du khách đến với đền Mẫu Âu Cơ trong những ngày đầu năm 2019 tăng hơn hẳn. Tính từ ngày mùng 1 Tết đến nay, khoảng hơn ba vạn lượt người dân, du khách đã đến dâng hương, lễ bái tại đây. Càng gần ngày chính hội, lượng du khách càng tăng lên. Do đó, huyện Hạ Hòa đã chú trọng công tác phân luồng giao thông, bố trí bãi đỗ xe, điểm bán hàng; tổ chức tốt việc hướng dẫn người dân và du khách; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tạo ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách./.
Trung Kiên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm