Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công từ kinh nghiệm ở Đắk Lắk

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công từ kinh nghiệm ở Đắk Lắk

Song hành cùng 92 mùa Xuân của đất nước và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã và đang khẳng định là cầu nối quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân 49 dân tộc trên địa bàn. Bằng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, công tác dân vận tại tỉnh Đắk Lắk đã và đang đi vào chiều sâu, hướng về cơ sở, đa dạng hình thức tập hợp nhân dân.

Đội công tác 253

Đội công tác Phát động quần chúng chuyên trách của tỉnh Đắk Lắk (còn gọi là Đội công tác 253) được thành lập năm 2006. Trong suốt 18 năm qua, đây là lực lượng nòng cốt của Ban Dân vận các cấp, vừa nắm tình hình nhân dân, vừa có các hình thức phát động quần chúng phù hợp, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo điều kiện để triển khai các chủ trương, chính sách, dự án lớn.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công từ kinh nghiệm ở Đắk Lắk ảnh 1Mô hình kết nghĩa với thôn, buôn dân tộc thiểu số, cách làm hay, hiệu quả trong công tác dân vận tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN phát.

Huyện Ea H’Leo nằm ở phía Bắc tỉnh Đắk Lắk. Thời gian qua, trên địa bàn huyện triển khai nhiều dự án lớn như Dự án Hồ chứa nước Ea H’Leo 1, Dự án tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, Dự án Nhà máy điện gió Trung Nam. Ban Dân vận Huyện ủy nói chung, Đội công tác 253 nói riêng đã đối thoại với nhân dân vùng dự án, tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công công trình.

Dự án Nhà máy điện gió Trung Nam nằm trên diện tích 600ha đất thuộc 3 xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang của huyện Ea H’Leo; vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng, được UBND tỉnh quyết định cho đầu tư vào ngày 31/12/2020. Vùng triển khai dự án vốn là vùng sản xuất nông nghiệp, đông dân cư sinh sống nên gặp phải tình trạng khiếu nại, kiến nghị liên quan đến đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xử lý khói bụi.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công từ kinh nghiệm ở Đắk Lắk ảnh 2Đối thoại trực tiếp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân về Nhà máy điện gió Trung Nam. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Ea Nam cho biết, năm 2021, trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy điện gió Trung Nam, UBND xã nhận được 1.430 đơn kiến nghị, khiếu nại vì đa số diện tích đất thu hồi là tài sản của nhân dân. Xã đã linh hoạt giải quyết đơn thư, mời chủ đầu tư cùng với cán bộ xã, chính quyền thôn, buôn thường xuyên đối thoại với nhân dân. Mặt khác, xã mời các cơ quan chuyên môn của huyện đến từng nhà dân để đánh giá mức độ thiệt hại, đối chiếu với mức thỏa thuận của chủ đầu tư. Ngoài ra, đội công tác 253 và tổ công tác của UBND huyện đã đồng hành, hỗ trợ xã trong việc đối thoại có trách nhiệm, sâu sát và nắm bắt tình hình nhân dân để phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công từ kinh nghiệm ở Đắk Lắk ảnh 3Một buổi họp của Đội công tác Phát động quần chúng chuyên trách (Đội công tác 253) huyện Ea H’Leo, là lực lượng nòng cốt của Ban Dân vận. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Bên cạnh đó, vai trò của già làng, người có uy tín và thành viên Đội công tác 253 phụ trách địa bàn được phát huy hiệu quả, giải thích cho nhân dân hiểu và thỏa thuận với chủ đầu tư. Huyện cũng tích cực tuyên truyền về lợi ích của dự án. Bản thân chủ đầu tư cam kết và thực hiện đúng cam kết các giải pháp, nội dung thỏa thuận đền bù nên dân tin, dân đồng tình, từ đó dự án triển khai được đúng tiến độ và vận hành vào tháng 11/2021.

Ông Phạm Văn Đãi, thôn 3, xã Ea Nam cho biết, trong quá trình thi công Dự án Nhà máy điện gió Trung Nam, ông và người dân xung quanh có những kiến nghị về giá đền bù diện tích đất thu hồi và vấn đề bụi, đường nước bị ảnh hưởng. Qua công tác dân vận và tiến độ khắc phục nhanh những cam kết của chủ đầu tư, nhân dân đã đồng tình, thấy được lợi ích rõ rệt của dự án đối với địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Đội trưởng Đội công tác 253 huyện Ea H’Leo, Đội công tác chuyên trách cấp huyện hiện có 10 đồng chí, trong đó có 4 nữ và cấp cơ sở có 30 thành viên. Các thành viên trong đội đều có uy tín, năng lực, nhiệt huyết, là “cánh tay phải” đắc lực của cấp ủy, chính quyền, kịp thời phối hợp ngăn chặn và giải quyết nhiều vụ việc có yếu tố phức tạp, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tổ dân vận cơ sở

Tại huyện vùng sâu vùng xa Krông Bông, những năm qua, công tác dân vận đã ghi dấu ấn ở mọi mặt như đoàn kết tập hợp nhân dân, giúp dân phát triển kinh tế, chống dịch COVID-19, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh hiệu quả của công tác đối thoại, tổ dân vận cơ sở là lực lượng nòng cốt, “cánh tay nối dài” của khối dân vận trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thôn 10, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk hiện có 175 hộ dân với 795 khẩu. Thôn đã thành lập các tổ dân vận cơ sở, mỗi tổ gồm 8 người là những người có uy tín trong thôn. 10 năm nay, tổ dân vận cơ sở đã đi sâu vào đời sống nhân dân, hòa giải, giải quyết các tranh chấp/khiếu nại, quản lý cụm dân cư. Đồng thời, tổ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, cuộc vận động, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công từ kinh nghiệm ở Đắk Lắk ảnh 4Đối thoại trực tiếp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân về Nhà máy điện gió Trung Nam. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Anh Chu Văn Tuyên, thôn 10, xã Hòa Sơn cho biết, qua sự vận động của tổ dân vận cơ sở và chính quyền thôn, buôn, gia đình anh đã hiến 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Vợ chồng anh cũng nỗ lực làm ăn, chăm sóc 6.000m2 trồng cà phê và nuôi bò, lợn để làm giàu chính đáng, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Ông Vũ Đình Đề, Thôn trưởng thôn 10, xã Hòa Sơn chia sẻ, tình hình an ninh trật tự ở thôn ổn định, nhiều năm không phát sinh vụ việc phức tạp. Số hộ nghèo giảm 42 hộ so với 10 năm trước. Diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Trong thành quả đó phải nhắc đến sự đóng góp của tổ dân vận cơ sở. Tổ đã gần gũi với nhân dân, hoạt động với tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, đi đầu trong các phong trào.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công từ kinh nghiệm ở Đắk Lắk ảnh 5Đại diện tổ dân vận cơ sở (trái) xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk gần gũi, nắm tình hình nhân dân. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Ngoài ra, để đa dạng hình thức tập hợp nhân dân, những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk còn triển khai các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và phù hợp như: Mô hình kết nghĩa với thôn/buôn dân tộc thiểu số, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Bước chân của cán bộ dân vận cùng sự miệt mài đã đi đến tận vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng dân di cư ngoài kế hoạch để vận động, tuyên truyền, góp phần triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách, phong trào thi đua yêu nước.

Theo ông Bàn Văn Minh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Ea H’Leo, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác dân vận không được thực hiện máy móc, chủ quan, phải dân vận trước để dân biết, dân thấy chính mình là đối tượng thụ hưởng và dân đồng tình ủng hộ rồi mới triển khai. Hơn nữa, trong công tác dân vận, cán bộ phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và phải phát huy vai trò của Hội Đoàn thể các cấp để dân vận thành công.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công từ kinh nghiệm ở Đắk Lắk ảnh 6Một buổi đối thoại, vận động quần chúng giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk với người dân xã Cư Mlan, huyện Ea Súp. Ảnh (tư liệu): Hoài Thu – TTXVN.

Ông Nghiêm Văn Chuẩn, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, phương pháp thành công nhất của công tác dân vận là gần dân, sát dân và có trách nhiệm với nhân dân, coi trọng công tác đối thoại, tôn trọng, lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; người làm công tác dân vận phải thực hiện phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng"; khơi dậy, phát huy đầy đủ tinh thần, trách nhiệm nhân dân vào cuộc cùng với chính quyền, góp phần cùng với địa phương xây dựng, kiến tạo quê hương giàu đẹp, văn minh; mọi việc nhân dân đồng tình ủng hộ thì việc gì cũng thành công. Trong tiếp cận vụ việc, cần phải hiểu được phong tục tập quán, đời sống, tâm tư nguyện vọng, tiếng nói và chữ viết… của nhân dân ở mỗi địa phương, mỗi khu vực và tuyên truyền dễ hiểu, đúng thực tiễn, khơi gợi tinh thần trách nhiệm, sự hăng hái của nhân dân. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm với nhân dân, lấy dân làm gốc và phát huy hiệu quả trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền của các cơ quan hành chính nhà nước.

Công tác dân vận đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự phát triển của internet có nhiều thông tin thuận lợi, nhưng cũng có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu chính xác gây hoang mang dư luận. Trong bối cảnh ấy, đội ngũ cán bộ dân vận tỉnh Đắk Lắk vẫn đang đoàn kết một lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 92 năm công tác Dân vận của Đảng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng và nghiệp vụ thành thạo để “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” như lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm