Miền núi Quảng Nam bao gồm 9 huyện, có địa hình hầu hết là đồi núi, độ dốc lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Khu vực này có gần 10 nghìn hộ chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, cần được bố trí tái định cư để phòng tránh rủi ro thiên tai. Tỉnh đã nỗ lực trong công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư, đảm bảo sinh kế cho đồng bào, nhất là người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Đảm bảo nơi ở an toàn và ổn định lâu dài
Chị Hồ Thị Lăng (người dân xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) đang được ở trong ngôi nhà chắc chắn ở khu tái định cư tập trung tại thôn Bằng La; đồng thời được hỗ trợ nhiều đồ dùng sinh hoạt, lương thực, cây con giống để phát triển kinh tế. Chị Lăng chia sẻ, cuộc sống của bà con nơi đây khá hơn nhiều so với nơi ở cũ, giao thông cũng thuận lợi hơn. Khu tái định cư được xây dựng ở khu đất bằng phẳng nên bà con không phải lo sạt lở núi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, sau 3 năm xảy ra thảm họa sạt lở ở Trà Leng, địa phương đã cơ bản ổn định được cuộc sống cho đồng bào. Năm 2023, huyện tiếp tục được đầu tư xây dựng mới thêm 3 khu tái định cư tập trung. Tuy nhiên ở miền núi để tìm được khu đất hội tụ các yếu tố địa hình bằng phẳng, gần khu sản xuất và thuận lợi trong việc xây dựng, kết nối cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt rất khó khăn.
Có điều kiện tự nhiên gần giống huyện Nam Trà My, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung nhấn mạnh: Mưa lũ trong 3 năm qua đã làm mất 120 ha đất sản xuất của đồng bào. Phần lớn diện tích đất bị sạt lở, vùi lấp tập trung ở các xã vùng cao, vùng xa. Do đó, việc bố trí đất sản xuất cho đồng bào gặp nhiều khó khăn. Khắc phục điều này, huyện đã tận dụng tối đa các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để thuê phương tiện cơ giới, hỗ trợ lương thực giúp bà con khắc phục đất đai bị bồi lấp để đưa vào sản xuất. Đối với diện tích không khắc phục được, địa phương hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, phát triển cây dược liệu dưới tán lá rừng.
Cải thiện sinh kế cho đồng bào
Ba năm qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư gần 650 tỷ đồng xây dựng 45 khu tái định cư bố trí chỗ ở cho gần 7.000 hộ đồng bào; trong đó có hơn 2.000 gia đình ở những khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở núi cao. Với nguồn vốn này, những hộ tái định cư được hỗ trợ kinh phí làm nhà, lương thực trong những tháng đầu. Phần lớn kinh phí còn lại được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện sinh hoạt, công trình nước sạch, đường giao thông nội vùng, trường học, hỗ trợ đồng bào khai hoang tạo quỹ đất sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, các khu tái định cư chưa đảm bảo đủ điều kiện về đất ở, đất canh tác và chưa thật sự thuận lợi trong việc kết nối hạ tầng giao thông, điện, y tế, giáo dục, nguồn nước..., khiến đời sống của một số hộ tái định cư chưa thật sự ổn định. Do vậy, nhu cầu trước mắt là tạo sinh kế, giúp đồng bào sống được với rừng, có thu nhập từ rừng...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết, để ổn định cuộc sống lâu dài gắn với ổn định sinh kế bền vững cho đồng bào ở những khu tái định cư vùng sạt lở núi và lũ quét, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư, hỗ trợ kinh phí làm nhà, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện tốt việc cải thiện sinh kế cho đồng bào. Từ đó, bà con sống được với rừng, dựa vào rừng để phát triển kinh tế; đồng thời, giúp đồng bào nhận thức đầy đủ về môi trường rừng, biết bảo vệ rừng để bảo vệ sinh kế bền vững.
Trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025, Quảng Nam đã và đang xây dựng 57 khu tái định cư tập trung với tổng diện tích gần 100 ha, bố trí chỗ ở cho gần 3.000 hộ đồng bào ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi cao. Do vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai gắn với bảo vệ tài nguyên rừng trên cơ sở đảm bảo về đất sản xuất, đa dạng sinh kế nhằm đảm bảo dân sinh là yêu cầu cần được quan tâm.
Đoàn Hữu Trung