Toàn tỉnh Bình Phước có hơn 1 triệu người với 41 dân tộc cùng sinh sống đoàn kết, đan xen ở 111 xã, phường, thị trấn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 200.000 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tình hình đời sống, sản xuất, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điều này có được là nhờ sự đồng lòng, chung sức của người dân, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là phương châm gần dân, sát dân, dựa vào dân đã giúp chính quyền tỉnh thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết "Đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số".
Bài 1: Tạo thế trận vững chắc
Việc chú trọng thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm, qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo trật tự xã hội, đẩy lùi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước có 278 hộ với 1254 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 230 hộ với 934 khẩu (chiếm 82,7%); đồng bào theo tôn giáo có 208 hộ với 866 khẩu, sinh hoạt ở Chi hội Tin lành Trà Cố và điểm nhóm Tin lành Sóc Tầm Lây. Với phương châm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và giữ vững an ninh trật tự tại địa phương, thôn 6 đã thành lập mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Mô hình được thành lập với 6 Tổ an ninh, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cộng đồng dân cư; nâng cao ý thức cảnh giác, thông báo đến lực lượng an ninh thôn khi thấy có dấu hiệu vi phạm trong cộng đồng; đồng thời, triển khai các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, ma túy, mê tín dị đoan, buôn bán người và các tệ nạn xã hội. Mô hình cũng tuyên truyền để mỗi người dân là một chiến sỹ trong mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời thông tin khi có sự cố xảy ra để tránh hình thành điểm nóng, phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 10 năm qua, đội ngũ an ninh thôn đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 40 tin liên quan đến tình hình an ninh địa phương, hoạt động của các loại tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện trong thôn; tham gia vào công tác giáo dục, cảm hóa thanh, thiếu niên, các đối tượng; kịp thời báo cáo Công an xã về 1 vụ sử dụng tiền giả của 2 đối tượng từ nơi khác đến tạm trú…
Ông Vương Ngọc Bửu Sơn – Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 6 cho biết, việc thành lập mô hình có ý nghĩa huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư, xây dựng và duy trì các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự, giảm thiểu các tệ nạn xã hội trên địa bàn; tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá Đảng, Nhà nước…
Xã Đoàn Kết (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) là xã vùng sâu, vùng xa với trên 30% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sản xuất nông nghiệp; có 4 tôn giáo cùng hoạt động và phát triển. Những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã Đoàn Kết đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ trong phong trào, các mô hình dân vận khéo, mô hình tự quản về an ninh trật tự được xây dựng và phát huy hiệu quả tốt như: Mô hình camera an ninh, Mô hình khu dân cư chấp hành tốt pháp luật… góp phần xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Gần đây, xã Đoàn Kết đã xây dựng mới 2 mô hình “Dân vận khéo” là: “Hội cựu chiến binh tham gia giữ gìn an ninh trật tự” và “Đồng bào dân tộc S’Tiêng đảm bảo an ninh trật tự, bảo tồn bản sắc văn hóa”. Các mô hình đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân.
Theo Trung tá Nguyễn Thế Bảo – Trưởng Công an xã Đoàn Kết cho biết, Mô hình “Camera an ninh xã Đoàn Kết” được UBND xã Đoàn Kết phát động và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng xây dựng và ra mắt ngày 4/5/2022. Toàn xã đã lắp đặt trên 12 camera kết nối về công an xã và hàng trăm camera an ninh của nhân dân tự lắp đăt của hộ gia đình và các doanh nghiệp. Mô hình đi vào hoạt động đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng Công an trong công tác truy vết, truy xét, khoanh vùng, bắt giữ đối tượng nhanh chóng, phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, xử lý chính xác các vụ việc về an ninh trật tự và công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo trật tự an toàn xã hội
Công tác dân tộc luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước quan tâm chỉ đạo. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24–NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhận diện, đấu tranh phản bác đối với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Việc nâng cao hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền thực hiện thường xuyên.
Bình Phước còn cử cán bộ người dân tộc thiểu số sâu sát với đồng bào để chủ động định hướng, đề xuất xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm xảy ra trên địa bàn; tổ chức đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nhịp nhàng trong hoạt động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tỉnh cũng chủ động theo dõi, định hướng kịp thời các vấn đề phức tạp, nhạy cảm xảy ra trên địa bàn và những vấn đề dư luận xã hội bức xúc, không để xảy ra “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự.
Bà Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, các phương tiện thông tin đại chúng đã đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường các thông tin được trình bày bằng ngôn ngữ, chữ viết đồng bào trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Bình Phước về tiếng dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp quần chúng nhận diện rõ phương thức, âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo để lôi người dân tham gia hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương nơi sinh sống.
Nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh Bình Phước đã xây dựng hơn 600 trang, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của thế lực thù địch. Các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên chú trọng sử dụng mạng xã hội để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng phủ xanh thông tin tích cực, chủ động dẫn dắt, định hướng luồng thông tin trên không gian mạng liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.
“Trên địa bàn tỉnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định. Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động; kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân thay đổi từng ngày…”, ông Điểu Nen –Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước khẳng định. (Xem tiếp Bài 2: Dựa vào đội ngũ già làng, người có uy tín, đảng viên tại cơ sở)
Đậu Tất Thành – Nhật Bình