Đắk Nông: Thu nhập ổn định từ nuôi dê

Đắk Nông: Thu nhập ổn định từ nuôi dê
Gia đình ông Lê Đình Chinh ở thôn 2, xã Đắk R’la (Đắk Mil) là một trong những hộ chăn nuôi có số lượng đàn dê lớn của xã.

Theo ông Chinh thì dê là loài động vật ăn tạp, ít bị ốm, sức đề kháng cao, chăn thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là cây cỏ, hoa lá ở rừng, không cần thức ăn tinh bổ sung nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém như các mô hình chăn nuôi khác.

Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 đến 12 tháng, trung bình một năm dê đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 3-4 con. Về chuồng trại không đòi hỏi diện tích lớn nên cũng không tốn kém nhiều; vì vậy, gia đình ông đã tập trung đầu tư nhân đàn dê để nâng cao thu nhập.

Đàn dê của gia đình ông Lê Đình Chinh ở thôn 2, xã Đắk R’la (Đắk Mil) mỗi năm cho thu nhập trên 120 triệu đồng
Đàn dê của gia đình ông Lê Đình Chinh ở thôn 2, xã Đắk R’la (Đắk Mil) mỗi năm cho thu nhập trên 120 triệu đồng
Ông Chinh cho biết, gia đình ông đã nuôi dê được gần 6 -7 năm nay, lúc đầu chỉ là vài con, sau đó tăng đàn dần. Do năm nay nhu cầu thịt dê trên thị trường cũng như dê giống tăng cao nên gia đình đã bán hiện chỉ còn gần 30 con.

Được biết, năm nay, 10 con dê sinh sản mang lại cho gia đình ông Chinh hơn 80 con dê thịt. Với trọng lượng xuất bán khi dê trưởng thành khoảng 30 – 35 kg/con, tương đương với khoảng 3 tấn thịt hơi, giá bán trung bình từ 100.000-120.000 đồng/kg, gia đình ông thu về khoảng 120 triệu đồng.

Để nuôi dê thành công, gia đình ông Chinh ngoài việc chịu khó học tập kinh nghiệm, còn có sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ địa phương về cách chăm sóc, phòng bệnh đàn dê đặc biệt là luôn thay đổi con giống nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Ông Chinh chia sẻ: “Nhờ nuôi dê mà tôi có tiền để nuôi 2 đứa con vào đại học. Việc nuôi dê của gia đình tôi còn được các đoàn công tác huyện, tỉnh về tìm hiểu để nhân rộng cho các hộ đồng bào dân tộc tại địa phương cùng nuôi”.

Còn đối với gia đình ông Trần Văn Thành ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) thì do điều kiện bãi chăn thả hạn chế nên ông đã áp dụng hình thức nuôi nhốt.

Ông Thành cho biết: Năm 2011, sau khi tìm hiểu các mô hình nuôi dê, tôi bố trí gần 500 m2 đất trong vườn nhà để làm chuồng và mua 4 con dê giống về nuôi. Đến nay, gia đình đã có 8 con dê mẹ và đàn dê thịt hơn 20 con. Bình quân mỗi năm, tôi xuất bán 100 con dê thịt và 10 con dê giống (giá dê giống khoảng 6 triệu đồng/con), hàng năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Thành, để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm thì việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi rất quan trọng. Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê cần phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt.

Khi làm chuồng, tùy theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết đối với dê.  Mặt khác, hiện nguồn thức ăn cho dê ngoài trồng cỏ thì người nuôi dê còn tận dụng nguồn thức ăn rong tỉa từ cây keo, mít trong các vườn cà phê để cho dê ăn.

Theo ông Lê Viết Duân, Trưởng Phòng chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh, hiện đàn dê có khoảng 8.000 con. Số lượng đàn dê của tỉnh đang có xu hướng tăng cao do giá dê thịt ổn định và việc áp dụng mô hình nuôi nhốt chuồng khá phù hợp, được các hộ nông dân áp dụng rộng rãi. Điều này cho thấy việc nuôi dê đang mở ra hướng đầu tư hiệu quả trong phát triển kinh tế ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm