Năm học 2023 - 2024 đang cận kề, tại tỉnh Đắk Lắk, từ thành phố đến các nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy và trò các cấp đang khẩn trương khắc phục khó khăn, hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cùng để sẵn sàng bước vào năm học mới.
Hỗ trợ học sinh khó khăn
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, tại xã Cư Bua (thành phố Buôn Ma Thuột) có 13 lớp, với 377 học sinh, trong đó, có trên 96% học sinh dân tộc thiểu số. Cô Sa Ly Niê, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh khó khăn. Đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhà trường hỗ trợ miễn, giảm các khâu đóng góp; thường xuyên vận động các nguồn hỗ trợ tặng quà, sách, học bổng, nhu yếu phẩm cho các em. Trong năm học tới, nhà trường tiếp tục thực hiện việc này nhằm huy động sự chung tay, góp sức của thầy và trò để ủng hộ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Năm học này, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam trao tặng 34 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 - 4 để phát cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn. Đây là động lực vô cùng to lớn đối với thầy và trò nhà trường, khi được sự quan tâm của các cấp, ngành. Những bộ sách giáo khoa đã phần nào hỗ trợ, tạo thêm động lực giúp các em học sinh đến trường”, cô Sa Ly Niê chia sẻ.
Trường Trung học Cơ sở Y Jút, xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) vừa được trao 80 xe đạp, 5.000 tập vở và các phần quà (áo lạnh, túi đeo) tặng các em học sinh. Em H’Lan Niê, học sinh lớp 6B chia sẻ, gia đình em thuộc diện khó khăn, em phải sống với bà. Được các nhà hảo tâm giúp đỡ và trao tặng chiếc xe đạp, em thấy rất vui. Từ đây, con đường đi học của em sẽ ngắn hơn. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng gia đình, thầy cô.
Cô Trần Thị Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường đứng chân trên địa bàn khó khăn, có 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nhận được sự sẻ chia từ các tổ chức là món quà vô cùng ý nghĩa, tạo động lực cho các em đến trường.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Kim Oanh, năm học 2023 - 2024, Đắk Lắk có khoảng 500.000 học sinh các cấp. Công tác hỗ trợ học sinh luôn được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. Đối với các học sinh nghèo, khó khăn, dân tộc thiểu số không nằm trong diện được thụ hưởng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP và Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Giáo dục Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị, nhà xuất bản, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện tặng sách giáo khoa, học bổng cho các em. Sở đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam hỗ trợ 3.400 bộ sách giáo khoa với tổng trị giá gần 800 triệu đồng; phối hợp với một số công ty cổ phần, nhà xuất bản hỗ trợ hơn 6.000 bản sách giáo khoa trị giá khoảng 140 triệu đồng. Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học hỗ trợ 30 suất học bổng trị giá 30 triệu đồng cho học sinh.
“Sở có văn bản đề nghị các Phòng Giáo dục và đào tạo chủ động huy động từ các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cho các em. Đảm bảo các em đến trường không bị thiếu sách giáo khoa, không để bất kỳ học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau”, bà Lê Thị Kim Oanh thông tin.
Khắc phục khó khăn
Trước thềm năm học mới, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng đang tất bật hoàn thiện hạng mục khu nhà với 6 phòng học.
Cô Sa Ly Niê, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc được đầu tư xây dựng không chỉ giúp thầy và trò có thêm phòng học, phòng chức năng khang trang, sạch đẹp mà còn đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh việc xây mới các phòng học chức năng, nhà trường còn sửa chữa hệ thống quạt, thiết bị điện, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, tường rào… với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.
Những ngày năm học mới cận kề, Trường Trung học Cơ sở Ea Tul, xã Ea Tul (huyện Cư Mgar) huy động giáo viên, nhân viên tổ chức sửa chữa bàn ghế, phòng học, vệ sinh trường lớp, cải tạo khuôn viên… chủ động khắc phục khó khăn, thiếu thốn để chuẩn bị chu đáo nhất cho năm học mới.
Cô Lương Thị Tân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2023 - 2024, trường có gần 700 học sinh với 19 lớp, trong đó có trên 98,7% học sinh là người dân tộc thiểu số. Năm nay, bắt đầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 8. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức các chương trình tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên; chuẩn bị thiết bị, đồ dùng đầy đủ và sẵn sàng.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Mgar Nguyễn Tự Do thông tin, năm học 2023 - 2024, huyện có trên 37.000 học sinh, trong đó 51% học sinh là người dân tộc thiểu sổ. Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng đã tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí hơn 33,4 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, khắc phục các cơ sở vật chất bị hư hỏng, phấn đấu hoàn thành trước khi học sinh tựu trường.
Theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, Sở đã chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục rà soát thực trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy học. Qua đó, các đơn vị trực thuộc Sở đã đáp ứng đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai dạy học, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đối với các cơ sở từ bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở đã có phân cấp cho các huyện, Sở yêu cầu các Phòng Giáo dục chủ động rà soát các điều kiện để báo cáo UBND cấp huyện tham mưu, bố trí nguồn kinh phí. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho năm học mới bao gồm xây mới, sửa chữa, mua sắm thiết bị dạy học trong toàn tỉnh là gần 1.000 tỷ đồng; trong đó, mua sắm các trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới với hơn 100 tỷ đồng.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, đội ngũ giáo viên của tỉnh so với quy định vẫn còn thiếu khoảng 1.700 giáo viên ở các cấp học. Trong bối cảnh vừa tinh giản biên chế vừa triển khai trương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục đang khắc phục khó khăn, sẵn sàng cho năm học mới.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở đã có báo cáo và đề xuất Bộ Nội vụ phối hợp cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên hằng năm theo tỷ lệ và bổ sung số lượng biên chế còn thiếu cho địa phương. Tại một số địa phương và một số môn học có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, Sở đã có giải pháp điều chuyển giáo viên nơi thừa sang nơi thiếu hoặc bố trí giáo viên dạy liên cấp để đảm bảo cho các môn học như tiếng Anh, Tin học… Bên cạnh đó, Sở tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường lớp giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn 2030, trên cơ sở đó giảm một số vị trí việc làm...
Nguyên Dung