Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh lực lượng Công an đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ trồng cây cần sa trái phép. Tình trạng trồng cây cần sa trái phép ngày một gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và số lượng cần sa bị thu giữ, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2022, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 84 vụ, 102 đối tượng trồng trái phép cây cần sa, thu giữ 22.452 cây cần sa tươi và 151,856 kg cần sa khô. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, phát hiện 17 vụ, 20 đối tượng, thu giữ 5.343 cây cần sa tươi và 25,642 kg cần sa khô. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 7 vụ, 10 bị can về các hành vi mua bán trái phép chất ma túy và trồng trái phép cây có chứa chất ma túy; xử phạt hành chính 10 vụ, 10 đối tượng.
Điển hình như vụ việc gần đây là ngày 11/5/2022, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra và bắt quả tang tại vườn nhà Lê Đình Đệ ở buôn Xê Đăng, xã Ea Sar, huyện Ea Kar đang trồng trái phép số lượng lớn cây cần sa. Qua kiểm đếm, có tổng cộng 250 cây cần sa, trong đó có 18 cây đã ra hoa, sắp đến kỳ thu hoạch. Công an cũng phát hiện hàng trăm chùm hoa cần sa khô, với trọng lượng hơn 4 kg. Bước đầu, Đệ khai nhận được một người lạ ở thành phố Buôn Ma Thuột cho hạt gieo trồng và hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch. Sau đó, người này sẽ mua lại hoa cần sa khô của Đệ với giá 3 triệu đồng/kg.
Trước đó, ngày 9/5/2022, Công an huyện Krông Búk cũng phát hiện 2 vụ trồng cần sa tại rẫy của 2 hộ dân ở buôn Ea Kăp, xã Ea Sin, huyện Krông Búk, thu giữ 1.635 cây cần sa tươi và 3,6 kg cần sa khô.
Công an tỉnh Đắk Lắk nhận định, mặc dù lực lượng Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tình trạng trồng cây cần sa trái phép vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng thường trồng cây cần sa trong các khu vực vườn, rẫy tách biệt xa khu dân cư, nơi ít người qua lại nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trồng và tái trồng cây cần sa trái phép ngày càng gia tăng là do cây cần sa là loại cây có chứa chất ma túy, lợi nhuận thu được từ cây cần sa cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Mặt khác, một số người dân được thuê trồng, chăm sóc nhưng lại không biết đó là cây cần sa bị pháp luật nghiêm cấm.
Trước tình trạng trên, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị, Công an huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện những nơi trồng cần sa để ngăn chặn, xử lý. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương cấp cơ sở trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, giúp người dân nhận diện và hiểu rõ về loại cây này và tác hại của nó, hậu quả trách nhiệm khi khi trồng trái phép cây cần sa để người dân hiểu và chủ động phát hiện, tố giác những người có hành vi trồng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép cần sa.
Tuấn Anh