Đắk Lắk phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng trong xóa đói giảm nghèo

Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tại Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Cư Kty, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tại Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Cư Kty, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có dân số trên 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 36% dân số. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có các huyện nghèo là M’Drắk và Ea Súp.

Đắk Lắk phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng trong xóa đói giảm nghèo ảnh 1Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tại Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Cư Kty, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trong những năm qua, tình hình kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhất định, công tác giải quyết việc làm và an sinh xã hội được chú trọng. Năm 2022, tổng sản phẩm xã hội đạt hơn 58.300 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 9.070 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,5%; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 2,5%.

Tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách như: Dạy nghề; khuyến nông; hỗ trợ về y tế, giáo dục; trợ giúp pháp lý; cho vay nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội… nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội, các cấp..

Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh hỗ trợ khuyến nông, lâm, và phát triển thủy sản cho các đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.800 lao động nông thôn; cấp trên 2,4 tỷ thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách; trên 2,3 tỷ lượt người nghèo cận nghèo, các đối tượng chính sách được khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, với số tiền trên 1,4 tỷ đồng…

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đặc biệt ưu tiên dành nguồn vốn cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số là đối tượng yếu thế nhất trong xã hội. Trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách có sự tham mưu tích cực của cấp ủy chính quyền địa phương, vào cuộc sâu sát ngay từ lúc chọn đối tượng, bình xét cho vay.

Ngân hàng và các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, định hướng cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì, phân kỳ trả nợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng.

Tính đến hết tháng 6/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động cho vay với số tiền giải ngân 1.094 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay đã tạo điều kiện cho hơn 26.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có 5.879 lượt hộ nghèo, 4.713 lượt hộ cận nghèo, 1.574 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, 3.261 lao động được tạo việc làm…

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với từng hộ dân ở những thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đạt từ 1,5 - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3- 4%/năm.

Thời gian tới, Đắk Lắk đề ra các giải pháp như: tuyên truyền rộng rãi đến các cấp chính quyền, người dân, phấn đấu vươn lên thoát nghèo vền vững; nhân rộng các mô hình giảm nghèo để người dân thấy được cái lợi, từ đó, phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng các mô hình thiết thực, hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững; tạo điều kiện cơ sở vật chất, đường sá giúp người dân thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa nông sản…

Nguyên Dung

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm