Ngày 11/7, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức “Tọa đàm truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam”.
Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, từ năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý 268 vụ việc vi phạm, 1.425 hành vi vi phạm về động vật hoang dã; trong đó có 160 vụ việc vi phạm phát hiện trên Internet. Đắk Lắk là một trong những điểm nóng về tình trạng mua bán lẻ các sản phẩm ngà voi. Với đặc thù là nơi phân bố của quần thể voi lớn nhất Việt Nam cùng với việc tổ chức các hoạt động du lịch gắn liền với voi, khách du lịch trong nước và châu Á đến đây có xu hướng mua, bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi.
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 5 năm trở lại đây, Chi cục phối hợp với các ngành chức năng bắt giữ và xử lý 144 vụ vi phạm quy định về săn bắn, mua bán trái phép động vật rừng; tịch thu 197 cá thể, trọng lượng 949 kg. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục đã xử lý 5 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng, tịch thu 17 cá thể, trọng lượng 63 kg. Đồng thời, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý động vật rừng để cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên 8 cá thể gồm: tê tê, voọc bạc đông dương, khỉ đuôi lợn.
Thiếu tá Nguyễn Thế Anh - Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã ra quân kiểm tra 20 hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh những sản phẩm từ ngà voi; tạm giữ gần 2.000 sản phẩm, ra 7 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, chế tài pháp luật hiện nay đã đủ sức răn đe song cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Các cơ quan chức năng, sở, ban, ngành cần đồng hành, ra quân tuyên truyền, vận động du khách không mua bán sản phầm từ ngà voi, hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học.
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nêu rõ, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng cơ quan chức năng trên cả nước vẫn nỗ lực đấu tranh với tội phạm, xử lý hiệu quả các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Một số đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép đã phải đối mặt với những hình phạt thích đáng, đáp ứng được mục tiêu răn đe và phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã. Trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp truyền thông như: liên kết với các kênh thông tin, truyền thông tại địa phương làm phim ngắn tuyên truyền; thiết lập và tuyên truyền đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã 18001522. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các công ty du lịch, điểm du lịch để đặt các pano, áp phích tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã; thành lập Câu lạc bộ tình nguyện viên Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Buôn Ma Thuột.
Hoài Thu