Nông dân huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Tuấn Anh |
Đắk Lắk hiện có trên 6.000 ha sầu riêng, tập trung tại các huyện: Krông Pắk, Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó hơn 65% diện tích cho thu hoạch. Phần lớn sầu riêng được đồng bào trồng xen kẽ trong vườn cà phê với các giống chủ lực như: Dona, Ri6, Monthon... Khi trồng xen kẽ, cây sầu riêng vừa che bóng mát, chắn gió, cải tạo môi trường sinh thái cho vườn cà phê, vừa giúp tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích so với trồng thuần cây cà phê, sầu riêng.
Đồng bào gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho quả sầu riêng. Ảnh: Tuấn Anh |
Những ngày đầu tháng 9 tại huyện Krông Pắk, không khí thu mua sầu riêng diễn ra nhộn nhịp. Được coi là thủ phủ sầu riêng của Đắk Lắk, Krông Pắk hiện có khoảng 1.500 ha sầu riêng, tập trung chủ yếu ở các xã: Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knếch, Ea K’ly, Hòa Đông và thị trấn Phước An. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ nên sầu riêng ở Krông Pắk thường đạt sản lượng trên 20.000 tấn quả/vụ. Với giá bán hiện tại từ 42.000 - 45.000 đồng/kg, dù giảm khá nhiều so với năm 2018 (90.000 đồng/kg) nhưng các hộ trồng sầu riêng vẫn có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Giống cây sầu riêng Ri6, Dona tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Phạm Cường |
Vườn ươm hạt sầu riêng tại Trung tâm giống cây trồng Đức Bảy Ea Kmát, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Phạm Cường |
Chế biến sản phẩm từ sầu riêng phục vụ thị trường xuất khẩu. Ảnh: Tuấn Anh |
Phân loại sầu riêng trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Tuấn Anh |
Để phát triển bền vững cây sầu riêng, Đắk Lắk khuyến khích đồng bào từng bước thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đồng thời triển khai gắn mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sầu riêng...
Đức Thịnh