Rắc vôi bột và phun hóa chất để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Theo đó, chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy để phòng chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật. Chủ vật nuôi khi được hỗ trợ không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn sẽ được hỗ trợ 35.000 đồng/kg hơi đối với lợn con, lợn thịt; 70.000 đồng/kg hơi đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác; thời gian áp dụng mức hỗ trợ từ ngày 7 tháng 3 năm 2019, nguồn kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách theo phân cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hướng dẫn, thực hiện. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng và phải chịu sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và người dân, không để xảy ra việc trục lợi chính sách. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, dịch lở mồm long móng xuất hiện từ ngày 26/1 trên đàn lợn của một hộ dân xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin đến hôm nay 17/4 đã lan rộng ra 35 xã, phường của 10/15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh 2.436 con, số lợn chết và tiêu hủy 2.328 con. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Thủy Lệ Vũ cho biết, để phòng chống dịch bệnh, chi cục đã cấp cho các địa phương 152.000 liều vắc xin lở mồm long móng type O; 9.000 lít hóa chất, 35 tấn vôi bột; các đia phương có dịch bệnh tập trung tiêm phòng cho đàn gia súc, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; đồng thời tỉnh cũng duy trì các chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn.
Phạm Cường