Đắk Lắk dồn lực sẵn sàng bước vào năm học mới

Năm học 2024-2025 sắp bắt đầu, thời điểm này, từ thành phố đến nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk đang dồn sức, dồn lực, sẵn sàng bước vào năm học mới.

vna_potal_dak_lak_chuan_bi_san_sang_cho_nam_hoc_moi_2024_-_2025_7559201.jpg
Dãy nhà 2 tầng, 10 phòng học của trường Tiểu học Kim Đồng (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) mới được xây dựng khang trang. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Nỗ lực vận động học sinh đến lớp

Những ngày này, cán bộ, giáo viên các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk, ngoài tích cực chuẩn bị công tác giảng dạy cho năm học mới còn đến từng nhà, vận động phụ huynh, học sinh với mong muốn tất cả các em đều được đến trường.

Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Nguyễn Du (tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) có 449 học sinh, với 85% em người dân tộc thiểu số. Với phương châm “Không để học sinh bỏ học rồi mới đi vận động trở lại trường”, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch vận động, nhắc nhở học sinh đến trường. Các thầy, cô giáo đến từng gia đình tuyên truyền, vận động phụ huynh cho học sinh ra lớp.

Cô Lê Trần Mỹ Loan, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du có hơn 24 năm gắn bó với nghề giáo. Bao nhiêu năm trong nghề là bấy nhiêu năm cô làm công tác vận động học sinh ra lớp. Hầu hết học sinh của cô đều có hoàn cảnh khó khăn. Có trường hợp vận động nhiều lần nhưng với cô Loan, dù khó đến mấy vẫn phải làm, tất cả vì tương lai các em.

Học sinh đến lớp chăm ngoan, đi học đều là niềm vui lớn nhất của giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Lê Trần Mỹ Loan chia sẻ.

Em H’ Mứa Hmok, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết, em được các cô đến nhà động viên đi học. Em hứa đi học đều và cố gắng học thật giỏi.

vna_potal_dak_lak_chuan_bi_san_sang_cho_nam_hoc_moi_2024_-_2025_7559194.jpg
Trường Tiểu học Kim Đồng tại xã Cư Kbang (Ea Súp, Đắk Lắk) được đầu tư xây dựng 10 phòng học, hệ thống tường rào, sân bê tông với tổng kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Năm học 2024-2025, tại huyện biên giới Ea Súp có 49 cơ sở giáo dục từ bậc Mầm non đến Trung học cơ sở với khoảng 17.800 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 47%. Là địa phương có địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do cao; dịp hè, nhiều em theo bố mẹ lên rẫy phụ giúp gia đình ở xa trung tâm xã. Do đó, công tác vận động trẻ đến lớp gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Khóa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã, các trường; huy động toàn hệ thống chính trị vận động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường. Do địa bàn rộng, còn nhiều khó khăn, Phòng giao các nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đến từng giáo viên chủ nhiệm, thường xuyên liên hệ cha mẹ, phối hợp UBND xã thông báo các thôn, buôn cùng vận động học sinh đến trường.

Đến nay, công tác huy động trẻ trong độ tuổi đến trường bậc Mầm non đạt trên 85%; tuyển sinh đầu cấp bậc Tiểu học đạt trên 96%, bậc Trung học cơ sở đạt 99%. Phòng tiếp tục chỉ đạo các trường chưa đạt chỉ tiêu triển khai tuyển sinh bổ sung đợt 2 nhằm huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chủ động phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… với quyết tâm không để học sinh nào đến trường mà không có sách giáo khoa. Các trường học rà soát những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để vận động tài trợ sách, vở, đồ dùng học tập. Đến nay, Phòng tiếp nhận 18.733 cuốn vở viết, 50 xe đạp, 50 phần quà từ nhà hảo tâm; trao tặng 500 cặp đựng sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ…

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

Cư Kbang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, nơi có đông dân di cư tự do sinh sống. Trường Tiểu học Kim Đồng, tại xã Cư Kbang có 526 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Thầy Lê Ngọc Quyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây, nhà trường có 4 phòng học cũ hư hỏng, trần nứt gãy đã quá thời gian sử dụng 5 năm gây khó khăn cho học sinh học tập. Trước thềm năm học mới, thầy và trò nhà trường rất phấn khởi khi mới được huyện Ea Súp đầu tư dãy nhà 2 tầng với 10 phòng học, hệ thống tường rào, sân bê tông rộng 400m2, tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

vna_potal_dak_lak_chuan_bi_san_sang_cho_nam_hoc_moi_2024_-_2025_7559192.jpg
Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thị trấn Ea Súp huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) được đầu tư, xây dựng tòa nhà 2 tầng gồm 6 phòng học khang trang để phục vụ năm học mới. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Công trình nhà hai tầng được bàn giao trước thời hạn vừa kịp cho học sinh học tập. Hiện nhà trường phân công 20 lớp học, học một ca (2 buổi/ngày). Trong năm 2024, nhà trường phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1, thầy Lê Ngọc Quyết thông tin.

Cũng trong niềm vui khi được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, thầy Trần Quang Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thị trấn Ea Súp) cho biết, dãy nhà cũ 6 phòng học đã trên 30 năm xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Năm học này, nhà trường vui mừng được đầu tư, xây dựng tòa nhà 2 tầng gồm 6 phòng học khang trang, rộng rãi, đảm bảo thoáng và đúng quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo... với kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tất cả 26 phòng học phục vụ 22 lớp của nhà trường được đầu tư đầy đủ, đảm bảo cơ sở vật chất dạy học. Mỗi phòng được trang bị tivi kết nối máy tính phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh. Trường đã sửa chữa bàn ghế học sinh, máy vi tính, hệ thống điện, quạt; trồng cây xanh tạo cảnh quan…

Theo ông Nguyễn Văn Khóa, Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, do nhu cầu đầu tư lớn trong khi kinh phí còn hạn hẹp nên các trường học vẫn còn thiếu một số hạng mục như, phòng bộ môn, phòng chức năng... Một số công trình xây dựng lâu năm đã xuống cấp, không đảm bảo quy chuẩn; thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa bảo đảm mức tối thiểu theo quy định... Chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, UBND huyện biên giới Ea Súp bố trí kinh phí trên 6,5 tỷ đồng cho các trường để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học. Đến nay, cơ bản cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học và dạy tại các nhà trường.

vna_potal_dak_lak_chuan_bi_san_sang_cho_nam_hoc_moi_2024_-_2025_7559195.jpg
Kiểm tra cơ sở vật chất trước năm học 2024 - 2025 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Tại huyện Cư M’Gar, theo ông Nguyễn Tự Do, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Phòng chỉ đạo các trường chuẩn bị các khâu, rà soát cơ sở vật chất đảm bảo dạy và học. Năm học 2024-2025, huyện có khoảng 40.000 học sinh ở cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở. Từ các nguồn vốn kiên cố hóa trường học, ngân sách huyện và nguồn vốn huy động khác, huyện đầu tư hơn 42 tỷ đồng xây dựng, sữa chữa cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học.

Năm học 2024-2025 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk tập trung vào 6 nhóm chỉ tiêu, 11 giải pháp trọng tâm. Ngành phấn đấu, đến cuối năm 2025, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 64%; tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 93%...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân cho biết, để đạt được mục tiêu trên, ngành tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo cần chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp điều kiện thực tế địa phương và biên chế được giao theo quy định; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực phát sinh; chấn chỉnh cơ sở giáo dục vi phạm quy định về các khoản thu từ phụ huynh học sinh, không để xảy ra tình trạng thu không đúng quy định. Ngành cần tăng cường quan tâm đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyến tật, có hoàn cảnh khó khăn…

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm