Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc, gần 1,9 triệu người với 4 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài. Được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, gần 616.000 tín đồ tại 844 cơ sở và điểm, nhóm tôn giáo luôn sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương bình yên.
Sống tốt đời, đẹp đạo, chung tay xây dựng quê hương
Vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là địa bàn hoạt động của tất cả các tôn giáo đang hiện diện ở nước ta. Do nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, cộng theo các dòng chảy văn hóa, các di cư sau này của người dân từ các vùng miền, nơi đây có đầy đủ các dân tộc, tôn giáo mà không vùng nào trên cả nước có được. Đến nay, đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk cũng như đồng bào tôn giáo là người dân tộc thiểu số, nhìn chung đều sống tốt đời, đẹp đạo.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng quà cho người dân khó khăn xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh
Những ngày cuối tháng 8, nhóm phóng viên chúng tôi cùng ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Ea Kar đến xã Cư Huê, nơi có 3.680 tín đồ sinh hoạt tại Chi hội Tin lành Cư Huê.
Được chính quyền tạo điều kiện, bà con Chi hội Tin lành Cư Huê đã có nhà thờ khang trang, rộng rãi để sinh hoạt tôn giáo. Ảnh: Hoàng Tâm
Vui mừng tiếp đón chúng tôi, ông Y Pin Mlô, mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành Cư Huê cho biết: “Trước đây, chi hội sinh hoạt ở căn nhà cũ. Năm 2018, được chính quyền tạo điều kiện xây dựng nhà thờ khang trang, bà con đã có điểm sinh hoạt thuận lợi, mọi người đều vui mừng, phấn khởi”.
Có được nơi sinh hoạt tôn giáo khang trang, bà con tín đồ Chi hội Tin lành Cư Huê rất vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Ngọc Đức
Ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ea Kar nói chuyện với bà con tại nhà thờ Chi hội Tin lành Cư Huê, xã Cư Huê. Ảnh: Ngọc Đức
Bên cạnh việc tích cực sản xuất nông nghiệp để cải thiện kinh tế, bà con tín đồ Chi hội Tin lành Cư Huê còn thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.
Ông Y Pin Mlô, mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành Cư Huê chia sẻ với bà con việc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế. Ảnh: Ngọc Đức
Tại các buổi sinh hoạt, bà con đã hiểu thêm về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng sống tốt đời, đẹp đạo, phát huy tốt vai trò trong các phong trào ở địa phương.
Ông Yhin Krông (tóc bạc, thứ 2 từ trái sang), người uy tín xã Cư Huê nói chuyện với bà con tín đồ Tin lành về kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Đức
Ông Yhin Krông, người uy tín xã Ea Huê, tín đồ Chi hội Tin lành Cư Huê chia sẻ: “Bà con hiện rất tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, cùng bảo nhau không uống rượu, không làm điều xấu, không vi phạm pháp luật, tích cực làm kinh tế”.
Các tín đồ tôn giáo và đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Cư Huê tích cực hiến đất, góp công, góp sức để xây dựng Nhà văn hóa xã Cư Huê theo mô phỏng ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê để bà con cùng nhau sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Ảnh: Ngọc Đức
Giáo xứ Kim Phát ở xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin có 8.127 giáo dân thuộc 8 giáo họ. Với tinh thần “yêu thương, phục vụ” bà con không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…, mà còn đóng góp xây nhà cho người nghèo (40 triệu/căn), công trình dân sinh, hiến đất làm đường…
Nơi ở của giáo dân giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin văn minh, sạch đẹp. Ảnh: Ngọc Đức
Cán bộ xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin trao đổi với bà con giáo dân về kế hoạch tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Ảnh: Ngọc Đức
Điển hình như gia đình ông Vũ Công Khanh, Trưởng ban Bác Ái đã góp hàng tỷ đồng hiến đất làm đường liên thôn, xây nhà tình thương… Với sự chung tay của bà con, tỷ lệ hộ nghèo ở Giáo xứ Kim Phát hiện chỉ còn 1,72% (44 hộ).
Ông Vũ Công Khanh là điển hình giáo dân làm kinh tế giỏi và giàu lòng nhân ái ở giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin. Ảnh: Ngọc Đức
Giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho các hộ ông Đỗ Ngọc Uông, thôn Thành Công, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Ngọc Đức
Tăng cường đoàn kết tôn giáo, tín ngưỡng
Kể từ khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực thi hành (01/01/2018), đến nay, Đắk Lắk đã tổ chức 85 hội nghị triển khai các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 14.687 người tham dự, trong đó có 2.255 lượt chức sắc, giúp việc các tôn giáo. Tỉnh cũng giải quyết 574 nhu cầu tôn giáo về các lĩnh vực xây dựng, sửa chữa, phong thẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển, thành lập tổ chức trực thuộc…
Nhà thờ ở giáo xứ Ea Tul, huyện Cư M'gar đang được xây dựng với sự góp công, góp sức của bà con giáo dân. Ảnh: Ngọc Đức
Nhà thờ ở giáo xứ Thuận Tâm, thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar đang được xây dựng to, đẹp với nguồn lực từ bà con giáo dân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Ảnh: Ngọc Đức
Bà con giáo dân ở giáo xứ Ea Tul, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar chia sẻ với cán bộ công an xã về hiệu quả của mô hình "camera an ninh" giúp bình yên buôn làng. Ảnh: Ngọc Đức
Với sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức tôn giáo đã từng bước đổi mới nội dung sinh hoạt, giúp bà con hiểu và thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và thuốc lá…; đồng thời tích cực tham gia xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa... qua những hoạt động cụ thể như: tổ chức bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện, vận động tài trợ xây trường mầm non ở vùng khó khăn…
Đường giao thông nông thôn ở giáo xứ Thuận Tâm, thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar được bà con giáo dân nhiệt tình hiến đất, góp công, góp của xây dựng. Ảnh: Hoàng Tâm
Ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar khẳng định thêm: “Chính quyền luôn tạo điều kiện để các cơ sở tôn giáo hoạt động, trên tinh thần công bằng, nhân đạo và đúng pháp luật. Hàng năm, lãnh đạo huyện và địa phương thường xuyên thăm hỏi, chúc mừng các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc các dịp lễ, Tết, tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi với các tôn giáo”.
Trước tình hình mới hiện nay, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo vì mục đích ngoài tôn giáo…
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan ở Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nơi các phật tử trong vùng đến làm l với không gian uy nghi và tĩnh lặng. Ảnh: Hoàng Tâm
Bà con công giáo đồng bào dân tộc Ê đê ở thôn Akô Dhông giữ gìn văn hóa của cha ông để phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Đức
Ông Đặng Tuấn Cường, Trưởng ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Các tôn giáo ở Đắk Lắk phải thực hiện tốt đồng thời hai chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa sự phát triển của tôn giáo và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người trên địa bàn”.
Hoàng Tâm