Đắk Lắk chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu

Bác sỹ thăm, khám cho bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Bác sỹ thăm, khám cho bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, ngành y tế Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu có thể bùng phát và lây lan ra cộng đồng.

Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu và phải cách ly do nghi nhiễm bạch hầu ở Đắk Nông đều được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk).

Bác sĩ Trịnh Quang Trí cho biết, trước nguy cơ bệnh bạch hầu có thể bùng phát tại tỉnh Đắk Lắk, ngành y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ trẻ em từ 7 tuổi trở xuống tại huyện Lắk. Đây là địa bàn giáp với huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) - nơi đã có 9 ca dương tính với bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong. Do người dân huyện Lắk và huyện Đắk G’long thường xuyên giao thương nên ngành y tế Đắk Lắk cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lắk phối hợp với chính quyền các xã tăng cường kiểm soát, giám sát người dân hai huyện trong giao thương để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và xử lý y tế kịp thời.

Do đặc thù tỉnh Đắk Lắk có nhiều huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - là "vùng lõm" của tiêm chủng nên nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu khá cao. Do đó, dự kiến từ tháng 9-10/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk sẽ rà soát để tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em toàn tỉnh nhằm tăng miễn dịch trong cộng đồng để giảm nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu.

Bên cạnh đó, ngành y tế Đắk Lắk cũng chỉ đạo cơ sở y tế địa phương tại các huyện, thị xã, thành phố phải chú trọng tầm soát bệnh nhân đến khám, lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp và nghi ngờ mắc bạch hầu và cách ly điều trị theo đúng quy định.

Để tránh lây chéo tại bệnh viện, ngành y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - nơi đang điều trị và cách ly bệnh nhân mắc bạch hầu và nghi mắc bạch hầu của tỉnh Đắk Nông, thực hiện cách ly, điều trị đúng quy định. Cán bộ, nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu phải tuân thủ các quy định về bảo hộ, khử khuẩn tại khu vực điều trị bệnh nhân nhằm phòng chống bệnh lây lan.

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cũng cung cấp vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để bệnh viện tiêm cho hơn 200 bác sĩ, nhân viên y tế tham gia tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân bạch hầu và các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.

Tháng 8/2019, tại xã Ea H’Đinh (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) cũng xuất hiện một ổ dịch bạch hầu khiến một trẻ em tử vong và 3 người khác bị lây nhiễm.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm