Đại tướng Nguyễn Quyết là vị tướng tài năng, mưu lược, giỏi về quân sự, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị. Cùng với hoạt động thực tiễn phong phú, trong suốt cuộc đời cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết còn để lại nhiều tác phẩm lý luận, tổng kết thực tiễn rất có giá trị.
Đại tướng Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn) sinh năm 1922, quê quán xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa VI; Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VIII (nay là Phó chủ tịch nước); nguyên là: Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại biểu Quốc hội khóa IV, VII, VIII.
Năm 1937, khi mới 15 tuổi, ông rời quê lên Hà Nội, làm thư ký kiêm phát hành cho Báo Đuốc Tuệ - tờ báo của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ và nhanh chóng tham gia các hoạt động của phong trào dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Với những hoạt động tích cực trong công tác vận động quần chúng và trải qua quá trình thử thách, năm 18 tuổi ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đại tướng Nguyễn Quyết đã khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của người đảng viên cộng sản kiên trung, sớm được Đảng giao phó nhiều trọng trách.
Tầm nhìn, bản lĩnh và sự quyết đoán của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết trong Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám 1945 là bước khởi đầu cho cuộc đời cách mạng của Đại tướng Nguyễn Quyết.
Tháng 11/1944, ông được Đảng và Bác Hồ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trở thành người đứng đầu ban lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, ông đã cùng các đồng chí trong Thành ủy vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp tổ chức, xây dựng, huấn luyện và tìm nguồn vũ khí, trang bị quân sự cho các đội tự vệ vũ trang công-nông. Sau này, Đại tướng Nguyễn Quyết đã chia sẻ, đó là thời kỳ “một ngày bằng hai mươi năm” sục sôi không khí chuẩn bị mọi mặt cho cuộc cách mạng đổi đời, giành chính quyền về tay nhân dân.
Đặc biệt, chỉ sau vài tháng nhận nhiệm vụ, đêm 17/8/1945 dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Quyết, Thành ủy Hà Nội họp khẩn và ra quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng; khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ.
Đây là một quyết định sáng tạo và rất kịp thời với tinh thần tự lực cao “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” giành thắng lợi quan trọng ở một vị trí chiến lược, trung tâm đầu não của kẻ thù.
Thực tế đã chứng minh Hà Nội khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19/8/1945 và giành thắng lợi trọn vẹn, là sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương chưa khởi nghĩa trong toàn quốc.
Nói về quyết định này, sau này nhiều lần Đại tướng Nguyễn Quyết chia sẻ, đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ: “khi đó tôi biết chắc chắn rằng nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin, đây là một quyết định sáng suốt của cả một tập thể những người đã gắn bó, sống chết với phong trào thành phố trong nhiều năm, những người nắm rõ tình hình địch-ta diễn biến qua từng ngày hơn ai hết, trên sự phân tích tình hình cụ thể, chứ không phải là một quyết định nóng vội chủ quan bởi tình cảm khát khao được giải phóng chi phối. Hơn nữa, nếu để tuột thời cơ ngàn năm có một đó, để nó trôi qua rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao khi quân Đồng minh đến Hà Nội”.
Tổng Bí thư Trường Chinh đề cao quyết định này và khẳng định:"Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo về khả năng thắng lợi của cách mạng... Ban lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời!". “Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của tổng khởi nghĩa tháng 8-1945… Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội còn có tầm quan trọng gợi mở một phương thức khởi nghĩa để giành chính quyền một cách không phải đổ máu…”.
Vị chỉ huy Liên khu 5 kiên cường, anh dũng
Thời gian "Nam tiến" với Đại tướng Nguyễn Quyết không dài nhưng rất quan trọng trong cuộc đời cách mạng của ông. Đại tướng Nguyễn Quyết từng nói: “9 năm chiến đấu ở Liên khu 5, đã củng cố những bài học cũ và cung cấp thêm cho tôi những bài học mới về công tác Đảng, công tác chính trị. Những bài học lúc đó tuy còn mới mẻ nhưng rất sâu sắc, có giá trị xuyên suốt trong cả cuộc đời binh nghiệp của tôi sau này”.
Ở Liên khu 5, ông “nổi tiếng” về tinh thần tự lực tự cường trong kinh tế tự túc, giải quyết hậu cần tại chỗ, sớm xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; đặc biệt, giữ vững vùng tự do rộng lớn. Đánh mạnh ở vùng tạm bị chiếm, tự giải quyết chiến trường, phối hợp đắc lực với chiến trường chính Điện Biên Phủ.
Giai đoạn 1946-1950, với cương vị là Chính trị viên, rồi Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5, ông đã sử dụng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, lãnh đạo quân và dân lập chiến công oanh liệt. Ta kìm chân địch, giữ vững một nửa tỉnh Quảng Nam nối liền 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên thành vùng tự do rộng lớn liên hoàn, làm hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài của Liên khu 5 và miền Nam Đông Dương. Thắng lợi của các trận đánh: Đèo Hải Vân, Gò Cả, diệt đồn Núi Lở, cứ điểm Thu Bồn đến những trận đánh vang dội ở tại Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc... dưới sự chỉ huy của ông và đồng đội đã khiến kẻ thù khiếp sợ.
Trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, với những kinh nghiệm từ cuộc lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, cộng với sự sáng tạo, linh hoạt và tài thu phục nhân tâm của mình, ông đã có những đóng góp quan trọng để xây dựng, tập hợp, phát triển lực lượng ở Liên khu 5, đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp. Đây là thắng lợi lớn nhất ở Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, giải phóng phần lớn Bắc Tây Nguyên, nhiều vùng rộng lớn ở Nam Tây Nguyên và các tỉnh ven biển, giữ vững vùng tự do, làm phá sản kế hoạch Nava, phối hợp hiệu quả với chiến trường chính Điện Biên Phủ.
Đánh giá về chiến trường Liên khu 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “… Liên khu 5 đã làm được một kỳ tích là giữa vòng vây bốn mặt của quân thù vẫn giữ được vùng tự do… thực sự đã trở thành một vùng hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài”.
Sáng tạo trong xây dựng lực lượng vũ trang
Sau khi Liên khu 3 giải thể để thành lập Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn, Đại tướng Nguyễn Quyết được điều về làm quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn. Trong thời gian công tác tại Quân khu 3, Đại tướng Nguyễn Quyết đã để lại những dấu đặc biệt.
Đó là dấu ấn trong quyết định sơ tán nhân dân, chuẩn bị chiến trường để đánh trả đợt phản kích bằng B-52 của đế quốc Mỹ năm 1972. Nhờ quyết định sơ tán quyết đoán, khẩn trương, kịp thời của vị Chính ủy Quân khu Nguyễn Quyết và lãnh đạo Thành ủy nên tổn thất về người và tài sản của Hải Phòng rất thấp, mục tiêu phá hủy thành phố và tàn sát dân lành của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn.
Ngoài dấu ấn trên, Đại tướng Nguyễn Quyết còn ghi dấu ấn trong xây dựng lực lượng vũ trang. Theo đó, trong gần 3 thập kỷ, ông đã cùng Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu tiến hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngay trong điều kiện hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chuẩn bị sẵn sàng thế trận toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt.
Trong đó, ông đặc biệt quan tâm tới việc lãnh đạo toàn diện, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, tới khả năng cơ động của lực lượng vũ trang địa phương. Theo ông, tất cả các lực lượng đều phải có khả năng cơ động. Cơ động trong tác chiến, cơ động trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất và khẩn cấp. Các quân đoàn, sư đoàn chủ lực của bộ phải cơ động trên phạm vi cả nước để thực hiện những “quả đấm” quyết định. Các đơn vị chủ lực của quân khu cơ động trên địa bàn quân khu, còn lực lượng vũ trang địa phương cơ động trong phạm vi từng tỉnh, từng huyện. Dân quân tự vệ cũng phải nâng cao tính cơ động. Cơ động tốt mới tạo được sức mạnh tập trung vào các hướng, các nhiệm vụ chủ yếu. Có như thế mới nâng cao được sức mạnh chiến đấu của các lực lượng. Đây có thể được coi là một tư duy sáng tạo trong xây dựng lực lượng vũ trang của Đại tướng Nguyễn Quyết.
Thực tế hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX trên địa bàn Quân khu 3 đã được kiểm chứng tư duy ấy là hoàn toàn đúng đắn.
Một cán bộ có tầm chiến lược trong đổi mới
Đại tướng Nguyễn Quyết luôn quán triệt, trong chiến tranh quân đội phải chiến đấu để bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất, góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh; trong thời bình, quân đội phải vừa bảo vệ vừa xây dựng đất nước.
Ngay khi đất nước thống nhất, khi là Chính ủy Quân khu 3, ông đã phát động một phong trào mang tầm nhìn xa “làm giàu, đánh thắng” tạo nên “hiện tượng” đối với toàn quân và cả nước. Nhiều chủ trương, nhiều kinh nghiệm là tiền đề cho sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo sau này. Phong trào thể hiện rõ sự táo bạo và đổi mới trong cách nghĩ của một cán bộ có tầm chiến lược. Bởi ngay cả khi đã phát triển thành phong trào quần chúng sâu rộng không chỉ trong lực lượng vũ trang mà còn được các tỉnh, thành phố và nhân dân trên địa bàn hưởng ứng mạnh mẽ; các quân khu khác đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, cũng không hẳn đã được thừa nhận là đúng. Thậm chí có ý kiến cho rằng quân đội “làm giàu” thì không thể “đánh thắng”. Với quyết tâm của ông cùng tập thể lãnh đạo, Bộ tư lệnh Quân khu 3, bằng nhiều chủ trương và biện pháp sáng tạo, huy động sức mạnh tập thể, phong trào “làm giàu, đánh thắng” phát triển nhanh chóng, sâu rộng và có hiệu quả thiết thực.
Các đơn vị của Quân khu 3 đã tích cực tham gia sản xuất với nhiều loại hình khác nhau phù hợp với tính chất và nhiệm vụ của từng đơn vị, nhờ đó đời sống bộ đội được cải thiện, nhiều vấn đề bức xúc trong công tác chính sách cán bộ và hậu phương quân đội được giải quyết; kỷ luật quân đội bảo đảm, huấn luyện đạt chất lượng… đảm bảo khả năng chiến đấu và chiến thắng.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương Vũ Oanh, đánh giá: “Thực tiễn đã khẳng định chủ trương làm giàu, đánh thắng của Quân khu 3 là đúng đắn, sáng tạo, có cơ sở khoa học, có tầm nhìn xa, sớm thấy rõ tiềm năng còn ẩn giấu, những xu thế phát triển mạnh mẽ, thắng nghèo nàn và lạc hậu, thắng bảo thủ tiêu cực”.
Cùng với hoạt động thực tiễn phong phú, trong suốt cuộc đời cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết còn để lại nhiều tác phẩm lý luận, tổng kết thực tiễn rất có giá trị; thể hiện là một vị tướng văn võ song toàn.
Ông có nhiều bài viết được đúc rút từ nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn xây dựng quân đội có giá trị cao, như: "Quân đội nhân dân và chuyên chính vô sản", "Bác Hồ với xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội - Mấy vấn đề thời sự"...; về hoạch định, tổ chức thực hiện các sách lược, chiến lược trong lãnh đạo, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, như: "Quân đội ta, quân đội nhân dân, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất", "Đổi mới đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội"...
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Nguyễn Quyết luôn được phân công ở những vị trí chiến lược: Thủ đô Hà Nội, Liên khu 5, Quân khu 3, Tổng cục Chính trị; trải qua nhiều cương vị công tác; đóng góp quan trọng vào hầu hết các giai đoạn đặc biệt của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX. Ở ông hội tụ được nhiều phẩm chất cao quý của một cán bộ, đảng viên cộng sản. Chính những đức tính tốt đẹp đó đã giúp ông luôn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trước Đảng và nhân dân trong bất cứ tình huống khó khăn, nguy hiểm nào.
Ghi nhận những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Quyết, Đảng, Nhà nước ta đã tặng ông Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 85 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ngày 23/12/2024. Lễ tang Đại tướng Nguyễn Quyết được tổ chức với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước, ngày 27/12/2024.
Phương Anh (tổng hợp)