Không chỉ là một “ngôi sao sáng” trên bầu trời văn học cổ Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du còn là một Danh nhân văn hóa thế giới, được cả thế giới biết đến và công nhận. Tác phẩm “Truyện Kiều” của ông đã trở thành một tài sản văn học chung của thế giới, được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau.
Những ghi nhận Tháng 12/1964, tại thành phố Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du (1765 - 1965), cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Đây là sự ghi nhận với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam và sự phát triển của văn hóa nhân loại.
Số lượng bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng nước ngoài rất phong phú.
|
Ngay sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đã có Chỉ thị số 112 - CT/TW ngày 26/10/1965 “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”. Đây là cột mốc lớn trong việc nghiên cứu, khẳng định và tôn vinh Nguyễn Du và “Truyện Kiều”. Từ đó đến nay, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Du, nhất là “Truyện Kiều”, luôn được tiến hành và đạt được nhiều kết quả mới, nhất là vào các dịp kỷ niệm 240 năm, 245 năm ngày sinh của Nguyễn Du do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), Hội Nhà văn Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh được triển khai tại Việt Nam và các nước trong cộng đồng UNESCO. Ngày 31/10/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 470/KH - UBND và Kế hoạch Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du. Năm nay, 2015, là năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du. Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các ban, bộ, ngành, đơn vị liên quan để triển khai tổ chức các hoạt động, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du; dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12/2015, tại Hà Tĩnh.Di sản văn học chung của cả thế giới Trong những năm qua, “Truyện Kiều” đã liên tục được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới, để đến với đông đảo công chúng yêu văn học hơn. Tại mỗi quốc gia, với mỗi bản dịch, tác phẩm để đời này của Đại thi hào Nguyễn Du đều được đón tiếp nồng nhiệt và đều có một đời sống riêng. Cho đến nay kiệt tác "Truyện Kiều" đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với rất nhiều bản dịch. Trong một hội thảo mới đây về “Truyện Kiều”, PGS.TS Đoàn Lê Giang cho biết “Truyện Kiều” được dịch ra “hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau”, gồm cả tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập... Bản đầu tiên dịch sang tiếng Pháp, do Giáo sư Abel des Michels (Trường Sinh ngữ Đông phương Pháp) in ở Paris năm 1884. Về số lượng, mỗi thứ tiếng thường có 1 - 2 bản dịch, riêng tiếng Nhật có 4 bản, tiếng Anh 7 bản, tiếng Pháp trên 10 bản... Sắp tới, ngày 6/11, tác phẩm “Truyện Kiều" được in nguyên bản tiếng Việt Nam và bản dịch thơ bằng tiếng Nga sẽ chính thức ra mắt bạn đọc và tại Hà Nội; bổ sung thêm vào số lượng ngôn ngữ và bản dịch “đồ sộ” của “truyện Kiều”. Được thực hiện từ năm 2013, tác phẩm này được dịch trên cơ sở văn bản tập khảo đính “Truyện Kiều” của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7, dịch sang tiếng Nga vẫn mang tên Kiều (КИЕУ) và có tên thứ hai là "Đoạn trường tân thanh" (Стенания стерзанной души). Đây là một công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt - Nga, gồm những nhà Việt Nam học, Nga học, trong nhiều năm qua đã tham gia các chương trình trao đổi, truyền bá văn hóa Nga - Việt như: Phó Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng; dịch giả Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi; nhà thơ Vasili Popov (Nga); nhà Việt Nam học người Nga, Phó Giáo sư Ngôn ngữ học Anatoli Socolov. Trong quá trình dịch, nhóm dịch giả tuân thủ theo nguyên tắc: Tác phẩm được dịch ra văn xuôi và hiệu đính lần thứ nhất; sau khi hiệu đính xong lần thứ hai mới dịch ra thơ. Bản dịch thơ sẽ được đối chiếu với bản dịch văn xuôi một cách kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở trao đổi, góp ý và cuối cùng thống nhất ý kiến. “Điều quan trọng nhất không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường mà là làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung “Truyện Kiều” mà không làm mất đi vẻ đẹp về nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam. Đặc biệt, trong “Truyện Kiều” có tới 3.236 điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các cụm từ Hán Việt. Nhóm biên dịch không có kỳ vọng chú thích toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt được ý nghĩa nội dung. Bên cạnh đó, nhóm cũng thực hiện việc đánh số các câu thơ trong bản tiếng Nga nhằm giúp người đọc theo dõi nội dung của truyện thơ để giúp độc giả Nga các lứa tuổi, tầng lớp xã hội và học vấn khác nhau bước đầu tiếp xúc với tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Lời nói đầu” của cuốn sách viết khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII”, đại diện nhóm cho biết.
Theo baotintuc.vn