Quang cảnh Đại hội. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Đại hội đề ra mục tiêu đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc, miền núi và miền xuôi, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tăng lên từ 1,5-2,5 lần so với hiện nay; hàng năm giảm từ 3-4% số hộ nghèo, riêng huyện Bác Ái giảm từ 4-5%/năm; mỗi năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 6.665 lao động; đào tạo nghề khoảng 1.820 lao động/năm; duy trì 100% trạm y tế xã có bác sĩ; 98% dân số sử dụng nước sạch; 100% phòng học được kiên cố hóa; 95% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được ra lớp hàng năm; có từ 4 xã trở lên thuộc vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới... Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận lần thứ III cho biết, để đạt mục tiêu trên, những năm tới, cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số phát triển một cách toàn diện, nhanh và bền vững. Theo đó, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, công trình phúc lợi xã hội để phục vụ sản xuất và đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình 135, chương trình 30a; hỗ trợ và đưa các tiến bộ khoa học công nghệ về vùng đồng bào để áp dụng sản xuất, hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào. Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại vùng đồng bào, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động; đồng thời khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào vùng đồng bào, nhất là chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, phát triển các chuỗi giá trị sản xuất có thế mạnh, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, từng bước đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào. Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai tốt chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh phổ thông theo quy định; đồng thời khuyến khích và đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi. Tỉnh tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, chăm lo và đãi ngộ đối với cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác dân tộc, các chức sắc tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tạo thuận lợi để đồng bào phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến với mọi miền của đất nước. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng công tác nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; tập trung chỉ đạo giải quyết đúng pháp luật các vụ việc khiếu kiện có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, không để kéo dài, phức tạp, không để xảy ra "điểm nóng". Ninh Thuận có 34 dân tộc thiểu số, chiếm 23,5% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào Chăm, Raglai, sinh sống tập trung tại 37 xã, thị trấn, với 124 thôn, khu phố; trong đó có 1 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ–CP của Chính phủ.
Các dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận đưa các sản phẩm đặc trưng của đồng bào đến với Đại hội. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II, những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận luôn được tăng cường, đổi mới. Kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào đạt bình quân 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người khoảng 25,9 triệu đồng/năm, tăng 2,61 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Bác Ái bình quân giảm 6,15%/năm; hỗ trợ trên 80% hộ nghèo về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; 100% trạm y tế có bác sỹ làm việc; mạng lưới cơ sở giáo dục được quy hoạch, sắp xếp bảo đảm hợp lý, nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, những năm qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào. Nhờ đó đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến cuối năm 2019 có 15/37 xã trong vùng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể trong vùng đồng bào không ngừng kiện toàn, củng cố. Số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên vùng đồng bào dân tộc tăng hàng năm, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận ngày càng trong sạch, vững mạnh. Từ năm 2014 đến tháng 6/2019 toàn tỉnh đã kết nạp 736 đảng viên là người dân tộc thiểu số, nâng tổng số lên 2.824/19.259 đảng viên trong toàn tỉnh. Dịp này, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận lần thứ III đã bầu 13 đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, sẽ diễn ra vào năm 2020.
Công Thử