Quang cảnh Đại hội. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lê Sơn Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc biểu dương những cố gắng vươn lên, những đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc cho sự phát triển chung của tỉnh. Thứ trưởng mong muốn Bình Thuận sẽ có những bước phát triển đột phá, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Bình Thuận tiếp tục làm tốt công tác dân tộc và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với chủ đề “Đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập, phát triển”, giai đoạn 2019 - 2024, Đại hội xác định mục tiêu và nhiệm vụ là tiếp tục phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên và hội nhập. Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho phát triển kết nối hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt… Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tiếp tục xem xét, giải quyết đất cho đồng bào chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất gắn với đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến công, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa. Bình Thuận coi trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Tỉnh phấn đấu đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 1,5 - 2%/ năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 - 40 triệu đồng/người/năm; 98% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bình Thuận luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm trên tất cả các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào thiểu số ngày càng được cải thiện, nhiều mặt phát triển vượt bật so với trước. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô thông suốt đến trung tâm xã; 98% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh… Nhờ thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 04- NQ/TU của Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh đã cấp trên 15.200 ha đất cho hơn 14.200 hộ gia đình. Hầu hết diện tích đất đã cấp được bà con đưa vào sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế. Các chương trình, chính sách, dự án về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cải thiện thu nhập. Các địa phương vùng dân tộc thiểu số đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối tháng 12/2018, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Thuận còn 2.327 hộ nghèo, chiếm 28% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (giảm 1.900 hộ so với năm 2016); thu nhập bình quân đầu người là 21 triệu đồng/người/năm. Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc. UBND tỉnh Bình Thuận tặng bằng khen cho 18 tập thể, 41 cá nhân có thành tích xuất sắc phát huy khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội đã bầu 10 đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc.
Nguyễn Thanh