Đặc sắc trò diễn Xuân Phả ở xứ Thanh

Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), bà con làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã giới thiệu trò diễn Xuân Phả “độc nhất vô nhị” nơi xứ Thanh.

z5191528692164_ec8132be2bea5f1762046ec755a98669.jpg
Trò diễn Xuân Phả được coi là điệu múa gắn liền với nhiều mặt của lịch sử dân tộc và có vai trò quan trọng trong kho tàng diễn xướng vũ nhạc Việt Nam. Ảnh: Hương Hiền

Theo tích xưa, trò diễn Xuân Phả có từ thời nhà Đinh, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả (nay là làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) thì trời tối và gặp mưa to, gió lớn. Sứ thần cùng đoàn tùy tùng phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ở ven sông. Đêm đến, thần Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng bày cách đánh giặc. Sứ giả trong lòng vô cùng phấn khởi, vội quay về kinh đô đem chuyện báo mộng tâu với nhà vua. Nghe có lý, nhà vua lập tức thân hành cùng quan quân lên đường. Khi gặp giặc, nhà vua đã làm đúng như lời dặn của vị Thành hoàng làng. Quả nhiên giặc bị tiêu diệt, nhà vua chiến thắng trở về. Đất nước trở lại yên bình, nhà vua mở hội mừng công.

z5191527956019_f25802917ff3cc71b506ebb8c17b0998.jpg
Người múa với những động tác dứt khoát trong trò Chiêm Thành. Ảnh: Hương Hiền

Để tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng làng có công lớn với đất nước, nhà vua đã ban đạo sắc phong hiệu cho Thành hoàng làng Xuân Phả là “Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân” và truyền cho dân làng Xuân Phả lập đền thờ, đồng thời ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất mang tên làng Xuân Phả.

z5191533943803_bb32268c6d25f477416be2e95f4b682e.jpg
Trò Lục Hồn Nhung với đạo cụ là sênh tre và mặt nạ đặc sắc. Ảnh: Phương Nam

Trò diễn Xuân Phả gồm 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh, vừa tỏ lòng khâm phục vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hòa hảo.

z5191536893844_ea2bd187696899ba618e1131486716f1.jpg
Người biểu diễn trò Xuân Phả luôn có trang phục sặc sỡ và các đạo cụ độc đáo. Ảnh: Hương Hiền

Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh vui nhộn. Những động tác khi múa lúc uyển chuyển, nhịp nhàng, khi lại mạnh mẽ tạo nên cao trào, đem đến cho khán giả cảm giác rộn ràng, đứng ngồi không yên...

z5191534548415_b4de3bb4dfe4920491e88a57906d3c23.jpg
Trò Xuân Phả đang được lan tỏa, biểu diễn ở những sân khấu lớn để bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào xứ Thanh. Ảnh: Hương Hiền

Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.

z5191529815514_45796fdee070ce5d85c253d6bb3c5058.jpg
Những chiếc mặt nạ làm bằng gỗ độc lạ được sử dụng trong các trò diễn. Ảnh: Hương Hiền

Với những giá trị đặc sắc và độc đáo của mình, trò diễn Xuân Phả đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Hương Hiền

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm