Trong 12 ngày (từ ngày 4 đến 15/8), Chương trình “Bếp cơm 0 đồng Chữ thập đỏ Đà Nẵng” đã nấu tặng hơn 6.650 suất ăn, 16 tấn rau củ quả cho 2.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các phường cách ly y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng).
Tình nguyện viên của Chương trình chuẩn bị rau củ quả hỗ trợ người dân trong khu vực bị cách ly trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: TTXVN phát
Chung sức cùng thành phố chống dịch
Bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng cho biết, khi dịch COVID-19 tái bùng phát tại địa phương và cả nước, các cấp Hội đã chung tay hỗ trợ các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các khu vực bị phong tỏa, cách ly trên địa bàn Đà Nẵng. Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng đã vận động được nguồn rau xanh, củ, quả từ các nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố để tặng những hộ khó khăn trong khu vực cách ly y tế của quận Sơn Trà với trung bình 1.000 suất/ngày. Từng bó rau, quả bí, bao gạo… được các tình nguyện viên chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng, gói gém thành những phần riêng trước khi gửi đến người dân. Chương trình “Bếp cơm 0 đồng Chữ thập đỏ Đà Nẵng” cũng được khởi động để nấu hàng trăm suất ăn tặng cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch.
Chị Nguyễn Quế Chi, Trưởng ban điều hành Bếp cơm cho biết: "Bếp cơm 0 đồng Chữ thập đỏ Đà Nẵng" chính thức nổi lửa từ hơn 2 năm trước. Mới đây, khi quận Sơn Trà thiết lập cách ly y tế tại 4 phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, Mân Thái, bếp cơm trở lại hoạt động hết công suất tại phường Nại Hiên Đông để kịp thời hỗ trợ các suất ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và bà con gặp khó khăn tại địa bàn.
Bếp cơm đã huy động được 28 tình nguyện viên, trong đó 15 tình nguyện viên đảm nhận việc mua rau, vận chuyển, đóng gói phân phối, 13 tình nguyện viên đảm nhận việc nấu cơm, vận chuyển cấp phát. Những ngày đầu, số lượng tình nguyện viên, phụ bếp còn hạn chế nên mỗi ngày chỉ có thể nấu được khoảng 400 suất cơm. Sau nhờ sự chung tay góp sức của lực lượng tình nguyện nên suất ăn của bếp được tăng lên. Trong 12 ngày, "Bếp cơm 0 đồng Chữ thập đỏ Đà Nẵng" huy động được hơn 250 triệu đồng để nấu suất ăn và lương thực hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch và người dân khó khăn. Bếp cơm cũng nhận được sự đồng hành của các Bếp ăn tình nguyện Hiếu Hạnh và Hana Bui đã hỗ trợ 2.250 suất cơm để tặng cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn phường An Hải Bắc và phường Mân Thái.
Trao yêu thương giữa tâm dịch
"Bếp cơm 0 đồng Chữ thập đỏ Đà Nẵng" hoạt động đều đặn ngày 3 buổi vào trưa, tối và khuya. Thực đơn được các đầu bếp cố gắng thay đổi liên tục nhằm bảo đảm đủ dinh dưỡng giúp mọi người được ngon miệng hơn. Các suất ăn được vận chuyển đến tận các khu vực phong tỏa để phát cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch.
Anh Mai Xuân Vũ, thành viên của bếp cơm cho hay, các tình nguyện viên ở khu vực không bị cách ly y tế sẽ chia nhau vận chuyển rau, củ, quả được thu mua từ các điểm, chuyển qua chốt về bếp. Tại đây, các tình nguyện viên phân chia theo số lượng cụ thể cho từng phường, sau đó chuyển đến từng chốt khác nhau trước khi đến tay người dân. Việc vận chuyển này cũng khó khăn do thành phố tạm dừng mọi hoạt động để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, bếp cơm mong muốn góp một phần công sức và được sự hỗ trợ của chính quyền để giúp mọi người dân vượt qua giai đoạn này.
Chị Nguyễn Thị Phượng công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang phải tạm nghỉ việc vì dịch COVID-19 ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà chia sẻ, chị rất vui khi nhận được các suất ăn và rau củ quả hỗ trợ, những món quà này sẽ giúp gia đình chị có thêm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Bà Đặng Thị Chén (63 tuổi, ở phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) cho biết, do dịch bệnh bà không đi bán xôi dạo được như trước, bà đang nuôi 3 đứa cháu mồ côi cha mẹ. “Mỗi phần quà với tôi và mọi người bây chừ nhận được là quý lắm, đúng là "lá lành đùm lá rách". Mong dịch mau hết để cuộc sống ổn định lại" bà Chén chia sẻ.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng Lê Thi Như Hồng cho biết, Bếp cơm 0 đồng không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn chứa đựng tình cảm, tấm lòng yêu thương dành cho người dân trong thời điểm khó khăn do COVID-19. Đây là một mô hình hoạt động hiệu quả và thiết thực trong mùa dịch, cùng các cấp Hội Chữ thập đỏ, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm góp một phần công sức để giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Theo bà Lê Thị Như Hồng, chương trình được thực hiện đến hết ngày 15/8 và tạm ngưng để tuân thủ nguyên tắc "ai ở đâu, ở yên đó" theo quy định về giãn cách xã hội mới của thành phố Đà Nẵng (từ 8 giờ ngày 16/8 tạm dừng tất cả các hoạt động). Sau thời gian giãn cách này, chương trình sẽ tiếp tục kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ thêm nhiều người dân gặp khó khăn như người bán vé số, người khuyết tật, người già neo đơn, lao động tự do, công nhân, người lao động khó khăn ở các khu trọ.
Trang Lâm