Cuộc sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng khởi sắc

Cuộc sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng khởi sắc
Mô hình trồng dưa hấu mùa khô của nông dân Khmer huyện Thạnh Trị. Ảnh: thst.vn
Mô hình trồng dưa hấu mùa khô của nông dân Khmer huyện Thạnh Trị.
Ảnh: thst.vn

Qua 10 năm thực hiện (2010-2020), chương trình đã đáp ứng kịp thời được nguyện vọng của người dân, tạo nên động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự tham gia của toàn xã hội, góp phần rất lớn thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 42 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn, tăng 23 xã so với lúc kết thúc giai đoạn 1 (năm 2015); các xã còn lại đạt từ 12-17 tiêu chí; bình quân đạt 16,85% tiêu chí/xã. Riêng thị xã Ngã Năm đã trình hồ sơ về Trung ương thẩm định để công nhận nông thôn mới; huyện Mỹ Xuyên đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và sẽ phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Với hơn 30% dân số toàn tỉnh, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng có vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được xem là hạt nhân lan tỏa phong trào. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 600 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Ông Thạch Sên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú - địa phương có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Khmer chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên nhân dân nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng tích cực và nỗ lực góp sức cùng chính quyền. Hiểu được những giá trị cốt lõi trên nên suốt thời gian qua, bản thân và gia đình, cùng cư dân luôn tích cực tham gia các hoạt động, các cuộc vận động, đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng cầu đường, lắp đặt bóng đèn thắp sáng đường nông thôn. Diện mạo của phum sóc cũng vì thế mà thay đổi nhanh chóng.

Nhờ sớm nhận thức được đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn, đồng bào Khmer Sóc Trăng tại các phum sóc vùng sâu, vùng xa đã phát huy mạnh mẽ khả năng, vai trò của mình trong việc hình thành và phát triển chương trình thi đua xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể. Điển hình là ông Thạch Sọi ở xã Viên Bình (huyện Trần Đê) vận động xây 2 cây cầu bê tông với kinh phí trên 350 triệu đồng; hai ông Lý Hên và Huỳnh Mộc Dứ ở xã Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị) trực tiếp đóng góp và vận động làm đường giao thông nông thôn, làm kênh thủy lợi nội đồng với kinh phí trên 700 triệu đồng; ông Sơn Sang ở xã Viên Bình (huyện Trần Đề) hiến trên 300m2 làm đường bê tông và vận động xây 8 cây cầu với kinh phí gần 500 triệu đồng, nạo vét hơn 14 kênh thủy lợi với số tiền gần 600 triệu đồng…

Đồng hành cùng Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, nhà chùa có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc chung tay cùng chính quyền các cấp vận động Phật tử chung tay xây dựng nông thôn mới, trong đó phải kể đến chùa Cần Đước (thuộc xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên). Nhiều năm qua, Ban Quản trị chùa Cần Đước luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sinh hoạt tôn giáo, dân tộc cũng như công tác tuyên truyền vận động phật tử trong phum sóc chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thấy được sự khó khăn của các địa phương trên địa bàn huyện về quỹ đất khi cần xây dựng các công trình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhà chùa đã hiến 5.000m2 đất để xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên của huyện, sau đó tiếp tục hiến hơn 12.000m2 đất để xây dựng Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Thạnh Phú, góp phần tích cực cho con em đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi được học tập, nâng cao trình độ.

Để vận động đồng bào Khmer thêm tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, vai trò của các sư sãi, trụ trì rất quan trọng. Đại đức Sơn Phước Lợi, trụ trì chùa Ô Chum Prek Chek ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) chia sẻ: “Với trách nhiệm của sư trụ trì, tôi thường xuyên kêu gọi bà con Phật tử luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tôi cũng thường vận động Phật tử tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các hành động thiết thực, cụ thể như trồng cây xanh, đóng góp ngày công cùng chính quyền địa phương thực hiện các công trình nông thôn, tích cực chung tay trong các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, khó khăn…”. Qua đó, đồng bào phật tử bổn sóc ngày càng tích cực hơn, có trách nhiệm hơn, tự nguyện đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận cao của nhân dân trong tỉnh, đến nay kinh tế-xã hội, văn hóa, dân trí vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển. Những con đường bê tông thẳng tắp cùng những căn nhà kiên cố thay cho những căn nhà siêu vẹo, dột nát trước đây. Những cung đường nông thôn mới càng được tô điểm thêm bởi những đường hoa và cờ đỏ sao vàng phấp phới. Nông thôn mới thực sự đã mang đến phum sóc đồng bào Khmer một màu áo mới.
Chanh Đa

Có thể bạn quan tâm