Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Chiều 8/9, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn thông tin, vào hồi 15 giờ 30 phút, ngày 8/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Vừa qua, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, điều tra và khảo sát thực địa nhiều thập kỷ nay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định rằng, tỉnh Lạng Sơn có đầy đủ các giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở một công viên địa chất toàn cầu.

vna_potal_nhung_gia_tri_noi_bat_cua_cong_vien_dia_chat_lang_son_7563316.jpg
Hang Keng Tao, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn - một trong hang động chứa di tích khảo cổ nằm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn, sự vào cuộc, đồng hành nỗ lực hết mình của các sở, ban, ngành, địa phương các cấp, sự ủng hộ tham gia của cộng đồng địa phương tại 8 huyện, thành phố nằm trong phạm vi Công viên địa chất Lạng Sơn, công tác thành lập, xây dựng, phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn đã diễn ra thuận lợi, bền vững.

Ngày 30/11/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) hoàn thiện Hồ sơ đề nghị Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sau đó, đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

vna_potal_nhung_gia_tri_noi_bat_cua_cong_vien_dia_chat_lang_son_7563305.jpg
Thân cây hóa thạnh, niên đại 30 triệu năm, được tìm thấy trong quá trình khai thác than tại trũng Na Dương, huyện Lộc Bình. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Chiều 8/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO diễn ra tại tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Việc công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.

Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, dự kiến vào năm 2025 tại Chile.

vna_potal_nhung_gia_tri_noi_bat_cua_cong_vien_dia_chat_lang_son_7563304.jpg
Trũng Na Dương, huyện Lộc Bình, được hình thành cách ngày nay khoảng 40 triệu năm. Tại đây, quá trình khai thác than đã phát hiện phức hệ hóa thạch động thực vật khổng lồ rất phong phú và đa dạng: tê giác, thú than, linh trưởng, cá sấu, rùa, kỳ đà, các loài cá, nhuyễn thể trai ốc và dày đặc hóa thạch thực vật... tiêu biểu cho sự sống trong môi trường hệ sinh thái sông hồ - đầm lầy - rừng nhiệt đới vùng Đông Nam Á. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Công viên Ðịa chất Lạng Sơn có phạm vi thuộc 8 huyện, thành phố: Bắc Sơn, Chi Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn (cùng một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia và một phần địa giới hành chính của huyện Cao Lộc) với tổng diện tích 4.842,58 km2 và dân số gần 627.000 người, tương ứng khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.

Công viên địa chất Lạng Sơn được UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập từ năm 2021, bao gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch đó là: Khám phá Thế giới Thượng ngàn; hành trình về miền Thiên giới; cuộc sống dân dã nơi trần thế và đường đến Thủy cung.

Vũ Văn Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm