Phát huy lợi thế về biển, các tỉnh Nam Trung Bộ đã “bứt phá” vươn lên trở thành khu vực phát triển năng động về hạ tầng, nhất là hạ tầng về kinh tế, dịch vụ, du lịch ven biển. Nơi đây còn là “vựa” nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản lớn của cả nước.
Cùng với phát triển, vùng biển và ven biển Nam Trung Bộ đang "hứng" lượng rác thải nhựa rất lớn từ sinh hoạt, sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Ô nhiễm rác thải nhựa vùng biển ở một số địa phương Nam Trung Bộ đã gây tác động xấu đến hệ sinh thái, phát triển kinh tế xã hội, cần có những giải pháp đồng bộ giảm thiểu, đẩy lùi vấn nạn "ô nhiễm trắng".
Bài 2: "Hồi sinh” môi trường biển
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức cùng chính quyền địa phương ở Nam Trung Bộ đang có nhiều hoạt động thiết thực đẩy lùi tình trạng "ô nhiễm trắng" vùng biển bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực. Những hành động này đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần hồi sinh môi trường nhiều nơi trong khu vực.
Lan tỏa việc tử tế
Cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) nơi dòng sông Trà Bồng đổ ra biển, làn nước trong xanh với các danh thắng Hòn Bà, Hòn Ông, Hòn Tà tạo một "hợp thể" quyến rũ, thơ mộng. Thế nhưng, đã có thời gian, bãi biển dọc cửa Sa Cần dường như bị “bủa vây” bởi rác thải nhựa. Qua nhiều năm, rác thải nhựa ăn sâu vào nhiều tầng đất dày cả mét, rất ít du khách tìm đến Sa Cần.
Một lần về thăm nơi mình sinh ra, anh Huỳnh Văn Thương (thành phố Quảng Ngãi) rất sửng sốt khi thấy biển Sa Cần bị "bóp nghẹt" bởi một lượng rác thải nhựa khủng khiếp và quyết tâm hành động hồi sinh vùng biển nơi đây. Một dự án cộng đồng đã ra đời. Sau khi tìm hiểu xác minh nguồn gây ô nhiễm, nắm bắt tâm tư của người dân thôn Hải Ninh, anh Thương đưa hình ảnh thực tế cửa biển Sa Cần lên trang Facebook cá nhân của mình cùng với lời kêu gọi "Tử tế với Sa Cần".
Lời kêu gọi của anh Thương đã lan tỏa đến nhiều người, trong đó có phụ nữ, đoàn viên thanh niên, Bộ đội Biên phòng, người dân địa phương và cả những người chưa hề biết đến Sa Cần. Mọi người đã cùng nhau thu dọn túi nilon, rác thải nhựa để trả lại bờ biển cát vàng đẹp đẽ cho Sa Cần. Chỉ trong vòng 8 ngày, cộng đồng dân cư cùng các tình nguyện viên đã dọn sạch bãi biển 2km. Khu dân cư thôn Hải Ninh được anh Thương vận động kinh phí lắp đặt camera giám sát, đồng thời duy trì hai tổ thu gom nhằm cắt đứt nguồn phát sinh rác thải từ khu dân cư. Anh đã kêu gọi người dân lưu vực sông Trà Bồng không thải rác xuống lòng sông.
Ý tưởng của anh Huỳnh Văn Thương thành công, giúp người dân hình thành thói quen tốt, ứng xử đúng với rác sinh hoạt do mình xả ra. Không chỉ dự án "Tử tế với Sa Cần", anh Thương cùng cộng sự đang thực hiện nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như “Tử tế với Sa Kỳ", "Tử tế với Mỹ Khê”. Nhiều mô hình tử tế với môi trường được lan tỏa, hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh tại khu dân cư như “Tử tế với thôn Phước Thiện”, mô hình Làng du lịch cộng đồng không rác thải…
Theo anh Huỳnh Văn Thương, các dự án do nhóm thực hiện đều xác định rõ phần gốc của vấn đề ô nhiễm môi trường, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, kiên trì vận động, hình thành thói quen tốt. Bên cạnh đó, dự án đã tặng dụng cụ đựng rác cho người dân, hướng dẫn phân loại rác, thành lập tổ thu gom…Nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ, dài hơi đã giải quyết triệt để việc phát thải rác ra môi trường.
Các dự án của nhóm “không chạy theo thành tích” mà toàn bộ quá trình hoạt động đều hướng đến lợi ích lâu dài cho người dân theo khẩu hiệu “thêm một người nhặt rác là bớt đi một người xả rác”; nhìn nhận rõ tầm quan trọng sự hưởng ứng của người dân. Khi thấy được công sức mình bỏ ra làm thay đổi diện mạo của địa phương, người dân sẽ ra sức duy trì, bởi đó cũng chính là nâng tầm giá trị cuộc sống mà họ đang tận hưởng.
Cộng đồng trách nhiệm
Từ tháng 8 - 10/2022, UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định) triển khai thí điểm Dự án “Quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn”(giai đoạn 1) tại 4 xã, phường gồm: Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng. Dự án có tổng mức đầu tư 795.000 USD từ nguồn vốn ODA tài trợ không hoàn lại và vốn đối ứng.
Từ khi dự án được thực hiện, những hộ dân sinh sống ở xã Nhơn Hải đã dần hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và coi đó như một thói quen. Những thùng rác với nhiều màu sắc khác nhau, ghi chú cụ thể giúp họ dễ dàng phân loại rác tại nguồn.
Bắt đầu từ 15 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ ngày hôm sau, mọi người cùng nhau đem rác đã phân loại ra thả vào các thùng rác được nhân viên Hợp tác xã dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải đặt dọc tuyến kè ven biển để Công ty môi trường thu gom, chở đi xử lý.
Chị Trần Tố Uyên, chủ một nhà hàng tại đây cho biết, phân loại rác tại nguồn đã trở thành thói quen. Người dân có ý thức hơn, không xả rác bừa bãi như trước nữa. Việc kinh doanh trở nên thuận lợi, thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải cho hay, là đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 12,1 ha rạn san hô tại đảo Hòn Khô để làm du lịch cộng đồng nên nhân viên của đơn vị thường xuyên lặn xuống biển thu gom rác thải trôi tấp vào rạn san hô. Việc làm này góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, khai thác tài nguyên du lịch bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND Xã Nhơn Hải thông tin, đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn. Môi trường, cảnh quan của xã ngày càng xanh - sạch - đẹp. Đây là một trong những tiêu chí giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Du khách đánh giá rằng, Nhơn Hải là một điểm đến an toàn, thân thiện không thể bỏ qua khi đến Bình Định du lịch. Điều đó như động lực để xã tự tin hơn trong phát triển du lịch, đề ra mục tiêu đón khoảng 50.000 lượt khách trong năm 2023.
Mô hình "Đảo thanh niên xanh không rác thải nhựa" ở xã đảo Nhơn Châu với lực lượng nòng cốt triển khai là Đội Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường Đảo Cù Lao Xanh. Định kỳ 2 lần/tuần (thứ 5 và Chủ nhật), các thành viên đi tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọc các bờ biển, điểm khách du lịch tham quan bỏ rác đúng nơi quy định; phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; ra quân làm sạch biển và các hoạt động bảo vệ môi trường trên đảo... Mô hình này hướng đến mục tiêu nhân rộng ra toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa".
Ông Hồ Nam Yên, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, ngoài thông báo quan trắc môi trường, cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh hàng tháng, thị xã đang, triển khai một số mô hình thu gom rác thải nhựa, tuyên truyền thực hiện mô hình “Mỗi hộ nuôi trồng thủy sản một giỏ rác”. Các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản mặt nước biển bằng công nghệ lồng bè HDPE (màng chống thấm) và quy trình nuôi thân thiện môi trường… Từ đó, thị xã giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tự nhiên từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên tổ chức “Ngày hội Hòn Yến xanh” kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ cảnh quan, rạn san hô Hòn Yến. Chuỗi hoạt động ra quân làm sạch bãi biển, vẽ tranh trên tường tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa, tổ chức các tour du lịch phân loại rác thải… đã nâng cao ý thức của người dân địa phương về việc chung tay bảo vệ môi trường biển, hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên.
Tại Khánh Hòa, mô hình thu gom rác thải nhựa trên biển của anh Trần Thiện Toàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại và dịch vụ Thi Toàn đã thực hiện 3 năm dưới dạng đóng góp tự nguyện. Hàng tuần, đơn vị thu gom rác trên biển 3 lần/bè. Các hộ nuôi có số lượng lồng bè tùy vào ít, nhiều hỗ trợ kinh phí cho người thu gom. “Số tiền từ thu gom rác thải nhựa lồng bè được rất ít, hàng tháng phải bù thêm chi phí xăng dầu cho tàu thu gom. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm phải duy trì mô hình này để bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển. Khi nào biển không còn rác thải nhựa, tình trạng cá chết và mùi hôi thối ở biển vào mùa hè mới giảm hẳn”, anh Trần Thiện Toàn cho hay. (Còn tiếp -Bài 3: Kiểm soát môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển)
Nhóm phóng viên CQTT tại Nam Trung Bộ